Giấc ngủ vô cùng quan trọng trong những tháng đầu đời của bé, giúp con phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, nếu trẻ sơ sinh khó ngủ, trẻ sơ sinh ngủ ít hoặc ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vậy nguyên nhân nào khiến bé sơ sinh khó ngủ và cách khắc phục?
Trẻ sơ sinh ngủ như thế nào?
Thông thường trẻ sơ sinh ngủ nhiều vào cả ngày đêm và chỉ thức dậy khi đói để bú (khoảng 2 – 3 giờ/lần). Vì bé chưa phân biệt được ngày đêm nên có thể ngủ nhiều vào ban ngày và thức giấc vào ban đêm (khoảng 8 – 9 giờ ban ngày và 8 giờ vào ban đêm).
Đối với trẻ 3 tháng tuổi hoặc có cân nặng khoảng 6kg thì sẽ bắt đầu ngủ suốt đêm (6 – 8 giờ) mà không thức giấc như lúc mới sinh. Khi đó, bố mẹ không cần đánh thức bé dậy cho bú nhưng không nên để trẻ ngủ quá 3 giờ mà không cho bú.
Với các trường hợp đặc biệt như sinh non tháng, trào ngược dạ dày thực quản hay nhẹ cân, bố mẹ cần phải cho trẻ sơ sinh bú thường xuyên hơn.
Giấc ngủ của trẻ nhỏ cũng chia làm nhiều giai đoạn giống như người lớn và tùy vào từng giai đoạn mà bé có thể nằm yên hoặc có những cử động. Đối với trẻ sơ sinh thường có hai loại giấc ngủ đó là giấc ngủ nhanh (REM – Cử động mắt nhanh) và giấc ngủ chậm (Non-REM – Không cử động mắt nhanh).
Giấc ngủ nhanh: Là giấc ngủ nông nên bé sẽ nằm mơ và mắt cử động nhanh theo chiều trước sau. Giấc ngủ này chiếm khoảng ½ thời gian ngủ của bé trong ngày, do đó dù trẻ ngủ tới 16 giờ/ngày nhưng chỉ ngủ sâu khoảng 8 giờ.
Giấc ngủ chậm: Được chia làm 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Buồn ngủ – Mí mắt sụp xuống hoặc chớp liên tục, có thể ngủ gà ngủ gật.
- Giai đoạn 2: Ngủ lơ mơ – Cử động, giật mình hoặc vặn mình.
- Giai đoạn 3: Ngủ sâu – Nằm im lặng và không cử động.
- Giai đoạn 4: Trẻ ngủ rất sâu – Im lặng và không cử động.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh sẽ diễn biến tuần tự theo 4 giai đoạn, sau đó quay lại giai đoạn 2 rồi chuyển sang giấc ngủ nhanh. Tại sao trẻ sơ sinh hay vặn mình? Trong vài tháng đầu, trẻ sơ sinh thường bị giật mình, vặn mình khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ ngắn và bé sẽ khó ngủ trở lại.