Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (gọi tắt là DVT) là một tình trạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong thời gian mang thai thì nguy cơ sẽ càng tăng lên. Về cơ bản, nó là hiện tượng đông máu, thường xuất phát ở một trong các tĩnh mạch sâu ở phía dưới chân. Dòng máu khi từ chân di chuyển lên phía trên để trở về tim sẽ cần phải chống lại lực hấp dẫn, lại gặp phải áp lực của bụng đang ngày càng đè nặng xuống, cộng với sự thay đổi mạnh về lượng máu và nội tiết tố trong cơ thể, tất cả làm cho quá trình tuần hoàn máu trở nên phức tạp hơn so với tình trạng bình thường.
Có một số thay đổi đối với khuynh hướng đông máu trong quá trình mang thai nhằm bảo vệ bà mẹ khỏi tình trạng xuất huyết tử cung không kiểm soát được. Điều này có nghĩa là máu của người mẹ sẽ dễ đông hơn, nhưng nó cũng đồng thời làm tăng nguy cơ gây bệnh DVT. Lúc này, các hợp chất trong máu có chức năng chống đông và giữ máu ở mức khỏe mạnh bình thường sẽ giảm đi. Sự kết hợp của các yếu tố trên làm cho phụ nữ mang thai đặc biệt dễ bị chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.
Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng, vì dù mang thai làm tăng nguy cơ nhưng tỷ lệ mắc bệnh DVT ở các bà bầu vẫn khá thấp. Có ít hơn 1 trong mỗi 1000 bà bầu có vấn đề với bệnh này.
Các yếu tố nguy cơ của DVT trong thai kỳ
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Ít vận động, ngồi trong nhiều giờ, hoặc bất động.
- Nằm nghỉ lâu tại giường do nguy cơ sinh non. Nếu hai chân không được sử dụng vận động để giúp bơm máu trở lại về tim thì việc tích tụ máu ở các chân sẽ xảy ra.
- Có vấn đề chung về tuần hoàn máu trong cơ thể.
- Có một cuộc phẫu thuật trong khi đang mang thai, hoặc phải mổ lấy thai.
- Có tiền sử bị DVT trước đó.
- Bị rối loạn đông máu hoặc bất thường về di truyền trong cơ chế đông máu của cơ thể.
- Bị tình trạng giãn tĩnh mạch nặng ở chân hay âm hộ.
- Bị tiểu đường thai kỳ.
- Bị mất nước cơ thể dẫn đến tình trạng không đủ lưu lượng máu.
- Mắc chứng tiền sản giật hoặc có vấn đề chung liên quan đến huyết áp.
- Có thai bị nhiễm trùng hoặc có những tình trạng phức tạp khác.
- Phụ nữ trên 35 tuổi có nhiều nguy cơ bị DVT khi mang thai hơn.
Tại sao nó xảy ra ở chân?
Bởi vì chúng ở quá xa tim. Các cơ bắp và tĩnh mạch của chân cần phải làm việc một cách hiệu quả và thường xuyên để giúp máu trở lại với phần thân trên và về tim, nơi nó sẽ được nạp oxy để tiếp tục vòng tuần hoàn.
Đôi khi cục máu đông xuất phát ở khu vực dưới chân, rồi lan dài lên các tĩnh mạch lớn ở vùng háng và xương chậu, và thường thì nó vẫn chưa được phát hiện cho đến lúc đó.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Thông thường, mỗi người sẽ có các triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, chúng có thể bao gồm bất kỳ hoặc tất cả những triệu chứng dưới đây:
- Dấu hiệu cổ điển của DVT là không thể đặt gót chân xuống đất vì cảm giác đau nhói.
- Sưng ở vùng mắt cá chân nhiều hơn bình thường. Điều này đặc biệt đáng lo ngại nếu buổi tối khi ngủ đã đặt chân lên cao nhưng buổi sáng thức dậy chân vẫn bị sưng.
- Có dấu hiệu đỏ cục bộ ở chân, đặc biệt ở ngay hoặc xung quanh các cơ bắp chân. Đôi khi có sự thay đổi màu da thành xanh hay đỏ nhạt.
- Có cảm giác ấm nóng hoặc tăng nhiệt ở vùng chân hoặc cơ bắp chân.
Có thể chẩn đoán bệnh bằng các dấu hiệu lâm sàng cũng như bằng cách siêu âm chân. Lưu lượng máu vào và ra quanh vùng nghi ngờ có máu đông sẽ được đo và so sánh với mức bình thường.
Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu nguy hiểm như thế nào?
Mối nguy hiểm thực sự của DVT là việc một phần của cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến tim hoặc phổi, hoặc thậm chí lên não, gây ra tình trạng cản trở mạch máu lưu thông và cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng này. Nếu nó di chuyển đến phổi sẽ gây ra tình trạng thuyên tắc phổi (Pulmonary Embolis – PE), rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Các dấu hiệu thuyên tắc phổi
- Thở dốc, khó thở và đau khi thở.
- Ho ra máu.
- Đau ngực.
- Ngất xỉu và mất ý thức.
- Tim đập nhanh, thở nhanh hơn so với bình thường.
- Vùng quanh môi và các đầu ngón tay bị tím tái (do thiếu oxy).
Khi nào cần phải cẩn thận?
- Bất cứ lúc nào khi bạn phải ngồi hoặc nằm trong một thời gian khá lâu mà không có vận động.
- Trong các chuyến bay, khi bạn có thể bị ngồi bó gối, và khi có áp suất cabin thấp.
- Khi chân bị sưng và có một lượng chất lỏng tồn đọng quanh khu vực bàn chân và mắt cá chân.
- Khi không uống đủ nước và cơ thể dần bị mất nước. Điều này có thể xảy ra trong khi bị viêm dạ dày, hoặc do ốm nghén nặng.
Làm gì để ngăn ngừa bị huyết khối tĩnh mạch sâu?
- Uống nhiều nước khoảng 2,5-3 lít nước mỗi ngày là đủ; hoặc hơn nữa vào những ngày nắng nóng.
- Tránh ngồi trong thời gian dài. Nên đứng dậy và di chuyển. Nên đi bộ, bơi lội, đạp xe- bất kỳ hoạt động nào giúp máu lưu thông và tránh để đôi chân nhàn rỗi.
- Tránh mặc quần áo chật. Quần lót quá chật, các loại quần định hình xiết chặt vào háng sẽ gây nguy hiểm cho các động mạch lớn dẫn máu đến hai chân.
- Tránh gác chéo hai chân.
- Tránh ngồi ở những vị trí quá chật hẹp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi các chuyến bay dài, hoặc phải ngồi phòng chờ quá lâu đều là không nên.
- Bạn có thể sẽ được khuyên nên mang loại vớ hỗ trợ, đặc biệt nếu bạn đã từng bị DVT trước đây.
- Tránh uống lượng lớn các thức uống có chứa caffeine như trà, cà phê và các loại nước cola, vì chúng có thể gây ra tình trạng mất nước, là yếu tố nguy cơ chính của DVT.
- Không nên đặt gối hoặc đệm dưới bắp chân, cho dù nó có giúp bạn cảm thấy thoải mái thế nào đi nữa. Bất cứ cái gì cản trở máu đi vào và ra khỏi hai chân đều có khả năng gây ra vấn đề.
- Nếu bạn phải ngồi bàn và làm việc nhiều giờ với máy tính, cần đảm bảo cho hai bàn chân chạm sàn nhà. Nếu sử dụng dụng cụ gác chân thì phải đảm bảo việc chân gác trên đó, chứ không để chân lủng lẳng tự do.
- Khi ngồi ghế, cần lưu ý không để cạnh ghế cấn vào phía sau đầu gối. Tương tự, nếu ngồi ghế thấp thì tránh để ghế đụng vào bắp chân.
- Cứ mỗi nửa tiếng, nên xoay xoay bàn chân theo chiều kim đồng hồ. Đi rửa mặt, đi vệ sinh, hoặc là đi tới tui vài vòng tại nơi làm việc để giúp máu lưu thông tốt trong cơ thể.
Điều trị chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
Cần phải điều trị ngay sau khi chẩn đoán được bệnh.
- Thuốc chống đông máu sẽ được chỉ định cho các bà bầu để giúp xứ lý các cục máu đông. Các loại thuốc chống đông máu phổ biến là Warfarin và Heparin, thường được tiêm hai lần một ngày.
- Xét nghiệm máu cần được thực hiện thường xuyên để theo dõi mức độ chống đông máu, đảm bảo chúng không trở nên quá cao. Nếu chúng không nằm trong giới hạn của những thông số an toàn thì sẽ có nguy cơ chảy máu không kiểm soát được.
- Sử dụng loại vớ đặc biệt giúp kiểm soát khu vực sưng và hỗ trợ để các tĩnh mạch chân hoạt động bình thường. Loại vớ này rất chặt nên rất khó mang vào và cởi ra.
- Thường thì chân cần phải được nâng lên cao, để hỗ trợ dòng máu khi di chuyển ngược lên qua háng và trở về tim.
- Thông thường, nên lưu lại bệnh viện để được bác sĩ theo dõi.
- Những vùng bị bệnh ở chân sẽ được đánh dấu bằng bút để tiện việc theo dõi mỗi ngày hai lần. Nếu như thấy kích thước vùng bệnh bị tăng lên, điều đó có nghĩa là phương pháp điều trị cần được xem xét lại cho phù hợp hơn.
Thông tin quan trọng cần nhớ
Nếu bạn nghi ngờ mình bị DVT thì đừng chần chừ đi khám để có được những hỗ trợ y tế cần thiết. Nếu cần, hãy gọi xe cứu thương để được chuyển đến bệnh viện gần nhất.