Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào cho mẹ và bé?

Theo thống kê cứ 7 mẹ bầu lại có 1 người gặp phải bị tiểu đường thai kỳ. Vậy nên tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không luôn là trăn trở của nhiều thai phụ. Hãy cùng Huggies tìm hiểu tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào cho mẹ và bé trong bài viết sau!

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)tiểu đường thai kỳ, còn gọi là đái tháo đường thai kỳ, là tình trạng lượng đường trong máu cao khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ sau sinh.

Đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ thường là những người:

  • Thừa cân, béo phì.
  • Gia đình có tiền sử người bị tiểu đường thường, đặc biệt là người tiểu đường hệ thứ nhất.
  • Tiền sử sinh con lớn hơn hoặc bằng 4kg.
  • Tiền sử bất thường về lượng đường trong máu bao gồm tiền sử tiểu đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.
  • Những người có tuổi cao thì nguy cơ càng cao.
  • Tiền sử sản khoa bất thường như thai chết lưu, sẩy thai liên tiếp, sinh non, thai dị tật,…
  • Chủng tộc châu Á có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn các chủng tộc khác.

Bệnh tiểu đường thai kỳ diễn ra thầm lặng và thường không có triệu chứng nên thai phụ không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám thai định kỳ và được bác sĩ cho làm xét nghiệm tiểu đường.

Những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ thường gặp là:

  • Khát nước thường xuyên.
  • Tiểu nhiều lần trong ngày và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn thai phụ khác.
  • Mệt mỏi, mờ mắt, thiếu sức sống.
  • Vùng kín dễ bị nhiễm nấm, dùng thuốc thông thường không hiệu quả.

Tham khảo thêm:

Chỉ số đường huyết của người bệnh tiểu đường thai kỳ

Chỉ số đường huyết của người bệnh tiểu đường thai kỳ (Nguồn: Sưu tầm)

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào cho mẹ?

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không là những thắc mắc phổ biến. Cụ thể, theo NHS – trang web y tế lớn nhất của Vương quốc Anh , các thai phụ khi mắc tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai, lưu thai, sinh non, đa ối, tăng huyết áp, nhiễm trùng tiết niệu, mổ lấy thai, viêm đài bể thận. Về lâu dài, các mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tiến triển thành tiểu đường thai kỳ 2 và các biến chứng liên quan.

Tăng huyết áp và nguy cơ tiền sản giật

Thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ dễ bị cao huyết áp hơn thai phụ bình thường. Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng như tiền sản giật, sản giật, suy gan, thận, tai biến mạch máu não, thai chậm phát triểnsinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh (hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong tuần đầu tiên sau khi chào đời). Tỷ lệ các thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ bị tiền sản giật chiếm khoảng 12% cao hơn so với các thai phụ bình thường khác.

Sinh non

Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non so với thai phụ không bị tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân dẫn đến sinh non ở những thai phụ này là do kiểm soát glucose huyết muộn, đa ối, tiền sản giật, nhiễm trùng tiết niệu, tăng huyết áp.

Đa ối

Đa ối (dịch ối nhiều) thường xuất hiện từ tuần 26-32 của thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh non ở thai phụ.

Nhiễm khuẩn tiết niệu

Tình trạng nhiễm khuẩn có thể không có triệu chứng lâm sàng nhưng làm cho glucose huyết tương thai phụ mất cân bằng và cần phải điều trị để tránh viêm đài bể thận cấp.

Ảnh hưởng về lâu dài

Nghiên cứu cho thấy, thai phụ có tiền sử tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao tiến thành tiểu đường thai kỳ tuýp 2 trong tương lai. Ngoài ra, thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai tiếp theo.

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không

Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều nguy cơ cho mẹ quá trình mang thai và sinh nở (Nguồn: Sưu tầm)

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào cho thai nhi?

Bên cạnh những nguy hiểm cho mẹ, tiểu đường thai kỳ còn có thể gây ra một số nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

Thai tăng trưởng quá mức

Hiện tượng này là hậu quả của tăng vận chuyển glucose từ mẹ bầu vào thai. Lượng glucose này kích thích tụy thai nhi bài tiết insulin làm tăng nhu cầu năng lượng, kích thích thai nhi tăng trưởng. Việc này có thể khiến quá trình sinh nở gặp các khó khăn như phải sinh mổ, sinh khó do kẹt vai, em bé bị chấn thương khi sinh,…

Hạ glucose huyết tương

Chiếm khoảng 15-25% ở trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường. Nguyên nhân tình trạng này thường do gan thai nhi đáp ứng kém với glucagon, gây ra tình trạng giảm tân tạo glucose từ gan.

Bệnh lý đường hô hấp

Trước đây, hội chứng suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh có mẹ mắc tiểu đường trong thai kỳ, chiếm tỷ lệ 30%. Hiện nay, nhờ các thiết bị đánh giá độ trưởng phổi của thai nhi giúp các bác sĩ can thiệp kịp thời mà tỷ lệ này giảm còn khoảng 10%.

Tăng hồng cầu

Đây là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh khi mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ.

Nguy cơ tử vong ngay sau sinh

Mặc dù tình trạng này hiếm gặp nhưng nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể dẫn đến thai chết lưu trước hoặc ngay sau khi sinh.

Vàng da sơ sinh

25% em bé sau sinh có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ vàng da do tăng hủy hemoglobin dẫn đến tăng bilirubin huyết tương, có thể phải điều trị tại bệnh viện.

Nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này

Các ảnh hưởng khác về lâu dài như gia tăng tần suất béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc đái tháo đường 2. Trẻ sinh ra từ bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi đến 19-27 tuổi.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh tăng cân nhanh có nguy hiểm không?

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm cho thai nhi không?

Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra một số nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi (Nguồn: Sưu tầm)

Mẹ bầu cần làm gì khi bị tiểu đường thai kỳ?

Mẹ bầu cần làm gì khi được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ? Điều trị tiểu đường cần sự hợp tác tốt của cả người bệnh và bác sĩ, trong đó vai trò của người mẹ trong tuân thủ điều trị là quan trọng nhất. Đa số thai phụ chỉ cần thay đổi chế độ ăn và tăng cường vận động là có thể kiểm soát tốt lượng đường huyết. Một số ít trường hợp, song song với chế độ điều trị mà bác sĩ đưa ra thì người bệnh cần dùng thêm insulin để hạ đường huyết. Sau đây là một số biện pháp thai phụ có thể tự thực hiện tại nhà để kết quả điều trị tốt hơn.

1. Lập thực đơn ăn uống và tuân thủ nghiêm túc

Lên kế hoạch ăn uống hằng ngày với các món ăn và hàm lượng dinh dưỡng cân bằng theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát lượng tinh bột và năng lượng nạp vào cơ thể. Từ đó, giúp tránh trường hợp ăn uống tùy hứng làm lượng đường huyết dao động quá cao hoặc quá thấp.

Việc tuân thủ theo chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là một việc khó khăn vì nó có thể hoàn toàn khác với thói quen ăn uống thường ngày của mẹ bầu. Do đó, thông qua việc lên thực đơn ăn uống thì thai phụ có thể cân đối những món ăn mình thích và những món ăn khác sao cho bảo đảm dinh dưỡng mà đường huyết vẫn ổn định. Ngoài ra, các chuyên gia thường khuyên mẹ bị tiểu đường thai kỳ cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày để tránh đường huyết sau ăn tăng quá cao. Hơn nữa với số lượng bữa ăn phong phú như vậy thì mẹ bầu có thể kết hợp sáng tạo nhiều món để không bị ngán.

Tham khảo thêm: Tiểu đường thai kỳ có được uống nước dừa không?

Tháp dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường

Tháp dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường (Nguồn: Sưu tầm)

2. Tăng cường vận động

Tăng cường hoạt động thể chất sẽ giúp thai phụ tiêu thụ bớt năng lượng dư thừa hơn, giảm đề kháng insulin, giảm đường huyết trong máu. Tăng cân là điều hiển nhiên khi mang thai. Tuy nhiên, số cân tăng thêm còn phụ thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng béo phì trước đó của mẹ. Thể dục thể thao ngăn ngừa tình trạng tăng cân quá mức. Một số hình thức vận động nhẹ nhàng và đơn giản, chẳng hạn như đi bộ 30 phút hai lần một ngày cũng rất hiệu quả. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể bơi, đi bộ trên máy hoặc thực hiện các bài tập nhẹ tại chỗ. Tránh tập thể dục gắng sức hoặc căng giãn cơ thể quá mức khi mang thai.

Xem thêm: Lợi ích của các bài tập thể dục cho bà bầu

3. Ăn nhiều chất xơ

Chất xơ có trong trái cây và rau tươi và ngũ cốc nguyên cám. Bổ sung chất xơ vào bữa ăn hàng ngày giúp ngăn ngừa táo bón, cải thiện hoạt động của insulin và làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Các loại hạt, bột yến mạch, đậu,… là nguồn cung cấp tinh bột, giàu chất xơ và vitamin tốt cho phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.

4. Bổ sung vitamin và khoáng chất

Ngay cả khi không bị tiểu đường thai kỳ, thai phụ vẫn cần bổ sung thêm vitamin và các khoáng chất khác. Khi mang thai, nhu cầu về vitamin và các nguyên tố vi lượng tăng cao, đôi khi khẩu phần ăn hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu này. Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin D, C, E, B, sắt, axit folic, canxi, magie, i-ốt,… từ sữa và thực phẩm chức năng. Mẹ bầu có thể nhờ bác sĩ tư vấn kê cho loại thuốc phù hợp nhất.

Xem chi tiết:

5. Bổ sung chất đạm

Chất đạm (protein) là nguồn cung cấp các axit amin góp phần phát triển cấu trúc tế bào, hình thành các cơ quan và tăng trưởng cơ thể. Protein là một chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn. Ở bệnh nhân tiểu đường, nguồn năng lượng từ protein chiếm khoảng 20% tổng năng lượng hàng ngày. Mẹ bầu nên chọn nguồn đạm dễ tiêu hóa từ cá, thịt gia cầm hoặc trứng, sữa.

6. Bổ sung các loại tinh bột thô

Các nguồn tinh bột thô như ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, đậu,… tốt hơn so với tinh bột đã qua tinh chế. Tinh bột thô sẽ hấp thụ chậm hơn, do đó lượng đường trong máu không tăng cao sau khi ăn. Ngoài ra, vỏ cám gạo còn cung cấp nhiều vitamin nhóm B – một loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, thực đơn hàng ngày của bà bầu nên hạn chế các loại thức ăn chứa tinh bột đã qua tinh chế như bánh mì, nui, các loại bánh ngọt,…

7. Giảm ăn, uống đồ ngọt

Bánh ngọt và nước ngọt chứa nhiều đường hấp thụ nhanh. Ngay sau khi ăn những thực phẩm này, lượng đường trong máu của mẹ bầu sẽ tăng nhanh và rất mạnh. Đồ ngọt có mùi vị rất hấp dẫn nhưng lại không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, việc giảm lượng đường nêm trong thức ăn và cố gắng tránh đồ ngọt là cách hiệu quả để ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến. Điều này có thể khó khăn lúc đầu, nhưng vì sức khỏe của thai nhi và của mẹ, mẹ hãy kiên quyết nói không với đồ ngọt.

Những câu hỏi thường gặp về tiểu đường thai kỳ

Bị tiểu đường thai kỳ có uống sữa bầu được không?

Bên cạnh 4 nhóm chất thiết yếu cần bổ sung mỗi ngày thì thai phụ cũng cần uống 2-3 ly sữa, nên chọn loại sữa không đường để tránh tăng huyết áp.

Tiểu đường thai kỳ có tự hết không?

Tiểu đường thai kỳ có thể tự hết sau khi sinh con. Tuy nhiên với những thai phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không kiểm soát được lượng đường huyết trong máu sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường trong những lần mang thai tiếp theo.

Một số trường hợp, phụ nữ mắc tiểu đường nhẹ trước khi mang thai những không phát hiện và điều trị khiến cho bệnh ngày một nặng hơn sau khi sinh và thậm chí là mang bệnh cả đời.

Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Khi mắc tiểu đường thai kỳ, thai phụ hoàn toàn có thể sinh thường nếu thai nhi không quá lớn, thường là dưới 4kg. Nếu thai nhi nặng hơn 4kg, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Như vậy bài viết này đã giúp các mẹ bầu giải đáp băn khoăn về vấn đề tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không . Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh nguy hiểm thường gặp có thể xảy đến với bất kỳ phụ nữ nào. Do đó, các thai phụ cần đi khám thai đúng lịch và lưu ý các triệu chứng thường gặp ở bệnh này để sớm phát hiện và điều trị đúng cách, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và sự phát triển của thai nhi sau này. Các mẹ bầu nếu có thắc mắc gì thì hãy đến ngay Góc chuyên gia của Huggies hoặc truy cập chuyên mục Mang thai để tham khảo thêm các thông tin hữu ích nhé!

Thẻ:
Biến chứng thai kỳ
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Tử vong chu sinh

Chu sinh là gì? Tử vong chu sinh là hiện tượng tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi

Thai chậm phát triển

Hội chứng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, gọi tắt là IUGR, xảy ra ở khoảng 3-5% trường hợp mang thai. Đây là tình trạng

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!