Đôi khi vì muốn kiểm soát trẻ và muốn chắc chắn rằng trẻ đang phát triển theo hướng mình muốn mà một số cha mẹ đã nuôi dạy con theo kiểu độc tài. Phương pháp nuôi dạy trẻ nào cũng có những mặt tốt và xấu của nó. Hãy tìm hiểu kỹ các khía cạnh của phương pháp này để áp dụng một cách linh hoạt, tránh gây ra những ảnh hưởng không tốt cho quá trình hình thành tính cách của trẻ.
Cũng như trong các khía cạnh khác của cuộc sống, cha mẹ có quyền lựa chọn phương pháp nuôi dạy con cái. Có nhiều phương pháp nuôi dạy con được áp dụng trong những năm qua, nhưng có ba phương pháp chính được áp dụng nhiều nhất.
Đó là:
- Nuôi dạy trẻ theo kiểu độc tài
- Nuôi dạy trẻ theo kỳ vọng của cha mẹ
- Nuôi dạy trẻ theo kiểu nuông chiều/dễ dãi
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trẻ. Phẩm chất của trẻ được hình thành do các nguyên nhân nuôi dạy khác nhau. Môi trường gia đình, giới tính, di truyền, nhân cách và các trải nghiệm của trẻ lúc nhỏ, tất cả đều đóng vai trò hết sức quan trọng.
Cha mẹ có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhưng ảnh hưởng nhiều đến mức độ nào thì vẫn chưa được xác định rõ. Ngay cả những trẻ em có cùng gen di truyền, cùng cách nuôi dạy ví dụ như anh chị em, cũng có sự khác nhau khi lớn lên. Trên hết, có vẻ như tính cách và khả năng tự lực của trẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách trẻ lúc còn nhỏ.
Dù phương pháp nuôi dạy con cái nào được sử dụng đi nữa, cũng có một số yếu tố rất quan trọng liên kết phương pháp nuôi dạy con cái và mức độ ảnh hưởng lên trẻ. Cách giáo dục trẻ, cách nuôi dưỡng và thể hiện tình cảm với trẻ, cách giao tiếp và các kỳ vọng của cha mẹ lên trẻ, tất cả đều quan trọng (Diana Baumrind). Dựa trên mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này ta sẽ biết được phương pháp nuôi dạy con nào tốt hơn.
Nuôi dạy con theo kiểu độc tài là gì?
Cha mẹ độc tài luôn thấy cách của họ là cách duy nhất. Họ có xu hướng nghiêm khắc, khuôn phép và luôn kiểm soát hành vi của con cái. Cha mẹ độc tài có xu hướng xây dựng các quy tắc nghiêm ngặt và muốn trẻ phải tuyệt đối tuân theo. Cởi mở, linh động không phải là cách của họ. Khi đứa trẻ không tuân theo quy định nghiêm ngặt của cha mẹ, chúng thường phải chịu một mức phạt nào đấy.
Đặc điểm của các bậc cha mẹ độc đoán
- Lập ra quy tắc và bắt trẻ phải tuân theo.
- Phạt trẻ khi trẻ không tuân thủ các nguyên tắc đó.
- Không có khoan hồng, hay dung thứ. Trẻ phải”ngoan ngoãn” và làm những điều cha mẹ muốn.
- Ý kiến của trẻ thường được coi là không quan trọng.
- Cha mẹ có khuynh hướng đặt mục tiêu hay công việc và bắt trẻ phải hoàn thành.
- Thường áp đặt và không có sự cân bằng về quyền lực.
- Sự sợ hãi, cảm giác tội lỗi, lo lắng và nghĩa vụ phải đáp ứng mong đợi của cha mẹ là động lực của trẻ.
- Cha mẹ muốn trẻ làm theo chỉ vì “Cha/mẹ bảo thế”.
- Cha mẹ độc tài thường cũng được nuôi dạy như thế. Tuy nhiên cũng có thể xuất phát từ những cha mẹ dễ dãi nhưng lại muốn kiểm soát con cái nhiều hơn.
- Thường có những hình phạt nặng nề. Hay nghiêm trọng hóa những lỗi nhỏ và phản ứng quá mạnh với những thứ nhỏ nhặt.
- Có xu hướng mở rộng tầm kiểm soát lên các mối quan hệ khác của trẻ.
- Cha/mẹ độc tài thường giữ vị trí quyền lực tại nơi làm việc hoặc cảm thấy họ đáng lẽ ra phải ở vị trí quản lý. Do vậy họ làm như thế ở nhà như là một giải pháp thay thế.
Cho tôi biết thêm về cha mẹ độc tài – NGAY BÂY GIỜ!
Cha mẹ độc tài là dạng đối lập hoàn hảo của cha mẹ dễ dãi. Họ tìm cách kiểm soát con cái trong từng hành động, và họ lo sợ rằng nếu không kiểm soát, trẻ có thể hư và không có được những phẩm chất như họ mong muốn. Họ coi ảnh hưởng của cha mẹ là tất cả còn cá tính của trẻ không quan trọng.
Cha mẹ độc tài cũng thấy thành công của con em họ trong cuộc sống như một kết quả trực tiếp từ việc kiểm soát của họ. Đặc điểm cha mẹ được thể hiện trên thành tích và thành công của con em mình. Họ thường khoe khoang về thành tựu của con mình và tỏ ra ganh tị trước thành công của một đứa trẻ khác.
Rủi ro của cha mẹ độc tài
- Mệt mỏi cho cả phụ huynh và trẻ.
- Một khi đứa trẻ trưởng thành, đủ để có những quyết định riêng, chúng có xu hướng phá vỡ quy tắc của cha mẹ và tự xây dựng tính cách riêng của chúng. Trẻ dễ đi quá đà khi không còn sự quản lý của cha mẹ.
- Làm giảm lòng tự trọng của trẻ.
- Đứa trẻ không phát triển kỹ năng tự kỷ luật và quyết đoán vì mọi thứ được quyết định bởi cha mẹ. Ngay cả những quyết định nhỏ nhất.
- Trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ độc tài thường hay bắt nạt trẻ khác. Nguyên nhân là do thiếu sự đồng cảm với người khác.
- Trẻ dễ nổi giận và trầm cảm hơn.
- Ngăn cản sự sáng tạo của trẻ – chúng trở nên khuôn mẫu theo như cha mẹ muốn và không thể khai thác được tiềm năng của mình.
- Phủ nhận các quyền của trẻ tức là phủ nhận tính dân chủ.
- Không bao giờ thừa nhận cha mẹ có thể sai.
- Trẻ có xu hướng hay nói dối. Xuất phát từ việc chỉ ngoan ngoãn khi bị giám sát và không học được tính tự chủ.
- Trẻ có cha mẹ độc tài có xu hướng đánh đồng thành công của mình với tình yêu của cha mẹ. Trẻ thường cảm thấy việc mình làm không “đủ tốt” hoặc chắc chắn về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.
- Ngăn cản việc nuôi dưỡng của cha mẹ và giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Hai yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
- Rủi ro chấp nhận mù quáng khi lớn lên. Thiếu khả năng đặt câu hỏi tại sao và làm theo những gì chúng cho là đúng.
- Kết quả học tập có thể làm lu mờ các khía cạnh khác của sự phát triển xã hội và tình cảm của trẻ.
- Ngăn chặn việc phát triển khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình; một kỹ năng cần thiết suốt đời .
- Trẻ dễ cắt đứt với cha mẹ một khi chúng thoát khỏi sự kìm cặp của gia đình.
- Khó có thể duy trì một mối quan hệ tốt với trẻ khi chúng lớn lên.
- Tăng nguy cơ bị béo phì khi trưởng thành ở trẻ. Việc khó duy trì quan hệ tốt với những người xung quanh có thể dẫn tới chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Trẻ phát triển không cân bằng. Một hoặc hai yếu tố lấn át các yếu tố còn lại làm cho cuộc sống của trẻ mất đi sự cân bằng.
Vậy cách nuôi dạy con này có hiệu quả không?
Cha mẹ độc tài không phải là phương pháp tốt. Mặc dù nó có thể làm cho cha mẹ cảm thấy tốt hơn trong thời gian ngắn hạn nhưng nó không có tác dụng xây dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài. Nó chỉ có thể được thực hiện khi trẻ còn nhỏ. Đến một thời điểm nào đó ý kiến của cha mẹ trở nên không quan trọng và trẻ sẽ nói dối để làm theo ý chúng.
Cha mẹ độc tài không thấy vui mừng trước những thành tựu đơn giản của trẻ. Xuất sắc được coi là thước đo duy nhất và bất cứ điều gì ít hơn xuất sắc là không chấp nhận được. Mức trung bình, là bình thường với phần lớn các bậc cha mẹ nhưng đối với các cha mẹ độc đoán hoàn toàn không phải là một lựa chọn.
Thay vì tạo ra những đứa trẻ tốt, cha mẹ độc tài thực sự có thể tạo ra một kết quả đảo ngược. Cha mẹ độc đoán không thể dạy trẻ như thế nào để tự thúc đẩy mình và học các kỹ năng tự kỷ luật. Trẻ không học được khái niệm “có nỗ lực sẽ có thành công”, và khi lớn lên trẻ khó có thể khai thác được tiềm năng của mình.
Một vấn đề khác là khi trẻ cần hỗ trợ về tinh thần, thường sẽ không tìm đến cha mẹ. Cha mẹ độc tài thường không coi sự nuôi dưỡng và cảm thông là quan trọng và họ không được coi là một nguồn an ủi cho con em mình.
Lưu ý
Cha mẹ không phải là một mối quan hệ một chiều. Điều quan trọng là sử dụng các kỹ năng và kiến thức có được để chăm sóc con cái chúng ta. Sử dụng sự sợ hãi, kiểm soát, quyền lực và sự thống trị để nuôi dạy con cái không bao giờ tốt. Tốt hơn cả là nên nhắm đến sự cân bằng giữa linh hoạt và tình yêu thương rồi sau đó là biết chấp nhận những phẩm chất của con cái.