Tẩy giun cho trẻ và những điều mẹ cần lưu ý

Khi bé được tự do phát triển và khám phá thế giới xung quanh, mẹ cần quan tâm hơn đến việc tẩy giun định kỳ cho bé do bé thường xuyên đi chân đất, chơi đùa ngoài trời, nhặt thức ăn rơi vãi để nếm thử hoặc có thói quen mút tay. Đây là cơ hội thuận lợi để các loại giun sán xâm nhập vào cơ thể con yêu đấy. Mẹ hãy cùng Huggies lưu ý khi tẩy giun sán cho bé qua bài viết dưới đây nhé!

Khi nào bắt đầu tẩy giun cho bé?

Nhiều mẹ cho rằng đủ 2 tuổi trở lên trẻ mới được tẩy giun. Tuy nhiên, khi mẹ phát hiện trẻ dưới 2 tuổi có biểu hiện nhiễm giun thì vẫn có thể được sử dụng thuốc tẩy giun, nhưng đã qua sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tần suất tẩy giun định kỳ cho bé

Theo quyết định 1932/QĐ-BYT hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng 19/5/2016, trẻ em từ:

  • Vùng có tỉ lệ nhiễm giun sán dưới 10%: Tiến hành tẩy giun 1 lần/2 năm
  • Vùng có tỉ lệ nhiễm giun sán từ 10% đến dưới 20%: Tiến hành tẩy giun 1 lần/năm
  • Vùng có tỉ lệ nhiễm giun sán lớn hơn 20%: Tiến hành tẩy giun 2 lần/năm

Các triệu chứng thường gặp khi trẻ nhiễm giun

Nhiễm giun ở trẻ nhỏ với số lượng ít thường không gây ra triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhiễm giun với số lượng nhiều, mẹ có thể nhận thấy cơ thể bé có những triệu chứng thường gặp như:

  • Bé bị đau vùng rốn.
  • Bé thở khò khè, ho khan.
  • Bé thường xuyên buồn nôn, khó chịu, hay quấy khóc và khó ngủ về đêm.
  • Bé chậm tăng cân, biếng ăn, có biểu hiện thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất.
  • Bé bị ngứa ở vùng hậu môn về đêm.
  • Bé đi ngoài ra phân lúc đặc, lúc lỏng, trong phân có máu hoặc có giun.

Tham khảo: Trẻ quấy khóc về đêm

Nguyên nhân trẻ bị nhiễm giun

Có rất nhiều nguyên nhân gây nhiễm giun ở trẻ như:

  • Thời tiết: Điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta là điều kiện sinh sôi và phát triển thuận lợi cho nhiều chủng loài giun.
  • Thức ăn: Bé ăn phải những thức ăn sống, không hợp vệ sinh, không rõ nguồn gốc từ các hàng quán lề đường.
  • Đường da, niêm mạc: Bé tiếp xúc phải phân tươi chưa được xử lý để tưới bón, đất, nước, bụi bẩn thông qua các loại hoa quả, rau sống, cá, tôm hàng ngày.
  • Vệ sinh cá nhân: Bé chưa có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân như: không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, liếm mút tay, cắn móng tay, đi chân đất…
  • Các đường lây truyền khác: Côn trùng, chu kỳ ngược dòng của ấu trùng giun lươn,…

Tại sao phải tẩy giun định kỳ cho trẻ?

Mẹ cần tẩy giun định kỳ cho trẻ để hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu của nhiễm giun đến sức khỏe bé yêu như:

  • Hấp thụ chất dinh dưỡng kém: Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn mất ngon khi bị nhiễm giun sẽ làm bé không hấp thu được các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường. Bên cạnh đó, giun sán sẽ hút hết các chất dinh dưỡng trong cơ thể và thức ăn nạp vào hàng ngày của bé. Từ đó, cơ thể bé sẽ thiếu hụt phần lớn vitamin và khoáng chất, có thể dẫn đến những bệnh lý liên quan.
  • Chậm phát triển thể chất, trí tuệ: Khi bị nhiễm giun trong thời gian dài, cơ thể bé sẽ bị thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, khiến trẻ bị kém tăng trưởng cả về mặt thể chất (sức khỏe yếu, thấp còi hơn bạn bè cùng trang lứa) và trí tuệ (không tập trung).
  • Tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm: Nhiễm giun có thể dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng khác như: tắc và thủng ruột, viêm ruột thừa, rối loạn tim mạch nếu không kịp phát hiện và điều trị sớm. Nhiễm giun kim trong thời gian dài ở bé gái có thể dẫn đến các ảnh hưởng sức khỏe sinh sản sau này như viêm nhiễm vùng âm đạo, viêm nhiễm vòi trứng, nhiễm trùng đường tiểu.

Tham khảo: Trẻ suy dinh dưỡng

những lưu ý khi tẩy giun định kỳ cho trẻ nhỏ

Những điều cần lưu ý khi tẩy giun cho trẻ

Khi tẩy giun cho bé, mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Lựa chọn thuốc: Mẹ nên chọn các loại thuốc tẩy giun có thành phần từ thiên nhiên để đảm bảo tính an toàn cao cho sức khỏe của bé cũng như hạn chế tối đa những phản ứng phụ không mong muốn.
  • Kiểm tra tình trạng sức khỏe bé: Một số bé có bệnh mãn tính hoặc tim bẩm sinh, suy gan, suy thận hoặc cơ thể đang nóng, sốt sẽ không thích hợp cho việc tẩy giun. Mẹ cần kiểm tra sức khỏe cho bé trước hoặc cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Cho bé ăn no trước khi uống thuốc: Mặc dù các loại thuốc tẩy giun hiện nay không có sự quy định về thời gian nhưng cơ chế hoạt động của thuốc vẫn là ngăn không cho giun hấp thu đường glucose từ thức ăn. Vì vậy, mẹ nên cho bé ăn lót dạ trước khi uống thuốc để phòng các triệu chứng phụ như: bé cảm thấy mệt, buồn nôn, khó chịu hay chán ăn.
  • Theo dõi dị ứng do thuốc: Trong khoảng 24h sau khi cho bé uống thuốc, mẹ cần theo dõi các biểu hiện của bé để có thể phát hiện kịp thời các phản ứng bất thường của cơ thể bé (nếu có) và có hướng xử lý nhanh chóng.
  • Kết hợp thói quen: Để việc tẩy giun định kỳ được hiệu quả, mẹ cần kết hợp cho bé những thói quen sinh hoạt vệ sinh như: thói quen rửa tay đúng cách, thói quen ăn chín uống sôi, thói quen sử dụng giày dép khi tiếp xúc nền đất.
  • Việc tẩy giun cho bé cũng nên thực hiện đồng loạt với tất cả các thành viên khác trong gia đình để tránh tình trạng lây nhiễm chéo giữa các thành viên trong gia đình.

Tham khảo: Tẩy giun cho bé đúng cách

Phòng ngừa nhiễm giun sán cho trẻ

Để đề phòng nhiễm giun sán cho bé, điều quan trọng mẹ cần làm là:

  • Thức ăn: Cho bé ăn các thực phẩm đã nấu chín, uống nước đun sôi, để nguội, các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Quần áo: Không nên cho bé mặc quần thủng đáy. Ngoài ra, mẹ nên ngâm nước sôi, giặt quần áo của bé và phơi chỗ có nắng nhiều cho chết trứng giun.
  • Vệ sinh thân thể: Thường xuyên cho bé rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mẹ lưu ý, không chỉ bé, mà mẹ cũng nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn cho bé, trước khi cho bé ăn, sau khi cho bé đi vệ sinh, và cả sau khi mẹ đi vệ sinh …
  • Vệ sinh cá nhân: Mẹ cắt móng tay cho cả mẹ và bé. Cho bé sử dụng giày dép khi đi trên nền cỏ, đất.
  • Xử lý phân: Phân của bé cần được đổ vào các nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thẻ:
Chăm sóc sức khỏe cho bé
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Cách tắm cho bé

Lần đầu làm mẹ, tắm cho bé hẳn là một thử thách đối với mẹ. Làm thế nào để đảm bảo bé tắm an toàn

Rối loạn Gen

Nếu bạn đã xúc động và lo lắng khi chứng kiến những rối loạn di truyền ở trẻ em (thông qua một người bạn hay

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!