Cứ khoảng 6 trẻ em tại Úc thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn. Theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu Quốc tế về bệnh hen suyễn và dị ứng của trẻ em(ISAAC) thì Úc là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn cao nhất, tiếp đến là Anh và New Zealand. Gần đây căn bệnh này được ghi nhận là đã suy giảm ở các quốc gia nói tiếng Anh và khu vực Tây Âu, tuy nhiên nó vẫn hoành hành tại châu Phi và một vài khu vực của châu Á. Nguyên nhân của sự khác biệt giữa các khu vực là do các hoạt động hiệu quả giúp người dân nhận thức về căn bệnh và các báo cáo số liệu được công bố, chứ không hẳn vì bệnh hen suyễn đang gia tăng mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ cao đến 1/6 trẻ em Úc mắc bệnh (và báo cáo là 1/4 trẻ) đã thực sự khiến chúng ta phải có nhận thức rõ ràng về tình trạng này và phải hành động quyết liệt để chiến đấu chống lại căn bệnh theo cách hiệu quả nhất.
Bệnh hen suyễn ở trẻ em là gì và nguyên nhân của nó?
Bệnh hen suyễn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Y học vẫn chưa tìm hiểu được chính xác nguyên nhân gây bệnh, nhưng cũng đã xác định được một số yếu tố có ảnh hưởng, trong đó yếu tố rõ rệt nhất phải kể đến tiền sử bệnh hen suyễn, chàm hay bệnh sốt dị ứng (hay còn gọi là sốt cỏ khô – hay fever) của gia đình. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em như: tiếp xúc khói thuốc lá khi còn trong bụng mẹ, hay trong thời kỳ sơ sinh; hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng như bụi, đất và lông thú trong 2 năm đầu đời của trẻ (là giai đoạn trẻ rất nhạy cảm với các tác nhân gây dị ứng).
Trẻ em bị hen suyễn khi gặp phải một yếu tố kích thích nào đó, cơ hô hấp sẽ bị bóp lại, lớp đệm của đường hô hấp sưng lên và viêm tấy, làm cho đờm tiết ra nhiều. Điều này sẽ khiến bé hô hấp rất khó khăn.
Một số chất phụ gia thực phẩm như muối sulphat chẳng hạn, đã được chứng minh là có liên quan đến bệnh hen suyễn ở trẻ em, và có thể truyền từ mẹ sang cơ thể bé qua sữa mẹ. Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố tỷ lệ 30% trẻ em bị hen suyễn có phản ứng với sulphat, và đã khuyến cáo không sử dụng chất này trong việc bảo quản thực phẩm. Thực tế là các trung tâm cấp cứu thường “bận rộn” khi trẻ em bắt đầu quay trở lại trường học, khi mà số lượng trẻ em được đưa đến trung tâm Cấp cứu & Tai nạn (A&E) vì các lý do liên quan đến bệnh hen suyễn gia tăng đáng kể. Sở Y tế NSW báo cáo con số trẻ em mắc bệnh hen suyễn có thể nhảy vọt từ 300 ca vào tháng Một lên con số xấp xỉ 1,600 ca vào tháng Hai, khi mà các em quay trở lại trường học. Người ta tin rằng lý do của sự gia tăng này có liên quan đến những món ăn các em mang theo đến trường hàng ngày, vốn chứa một lượng muối sulphat cao để bảo quản thức ăn. Lý thuyết này đã được Jamie Oliver củng cố khi ông giới thiệu những bữa ăn không có chất phụ gia thực phẩm tại các trường tiểu học ở Luân Đôn năm 2003. Trong vòng 1 tháng không sử dụng chất phụ gia thực phẩm vào các bữa ăn của học sinh, giáo viên nhận thấy những trẻ em bị hen suyễn đã không cần đến sự trợ giúp y tế tại trường học nữa.