Chăm sóc răng miệng cho bé

Chăm sóc răng miệng vô cùng quan trọng với trẻ em, vì việc này giúp bảo vệ trẻ khỏi sâu răng và các bệnh răng miệng về lâu dài. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết giúp bố mẹ cách chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách.

1.Khi trẻ mọc răng

Đa số bé bắt đầu mọc răng trong khoảng 4 tháng đến 7 tháng tuổi. Đó là lúc chiếc răng đầu tiên nhú ra khỏi nướu của bé. Chúng được gọi là răng sữa hay răng tạm thời.

Ở các bé mọc răng sớm, răng sữa có thể xuất hiện từ lúc 3 tháng tuổi và một số bé thì trễ hơn tận lúc 1 tuổi. Chiếc răng đầu tiên thường là răng cửa giữa hàm dưới, sau đó đến răng cửa giữa hàm trên.

Đa số các bé ở tuổi biết đi sẽ hoàn tất mọc răng và có đầy đủ răng lúc 3 tuổi. Đến lúc bé 6 tuổi, răng trưởng thành sẽ mọc thay thế cho răng sữa.

Tham khảo: Vì sao trẻ chậm mọc răng

Trong giai đoạn mọc răng, trẻ có thể sẽ có một số triệu chứng đi kèm như:

  • Cắn nhiều.
  • Chảy nước miếng nhiều hơn bình thường.
  • Ngậm tay hoặc ti giả.
  • Cáu kỉnh.
  • Chán ăn.

Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý rằng mọc răng không nên được dùng để lý giải mọi bệnh tật hay thay đổi về tâm sinh lý của trẻ ở giai đoạn này. Cụ thể hơn, mọc răng thật ra không gây sốt, tiêu chảy, cảm, ho, nhiễm trùng tai hay hăm tã.

Nhằm giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi mọc răng, bố mẹ có thể thử cho con nhai một món gì đó như một chiếc khăn lạnh để bé thoải mái hơn. Nếu bé quá khó chịu và cáu kỉnh vào giờ ngủ, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc cho con dùng Panadol trẻ em.

Tham khảo: Trẻ sốt mọc răng

2.Các vấn đề về răng miệng thường gặp ở trẻ em và nguyên nhân

Sâu răng

Sâu răng là tình trạng rất phổ biến ở trẻ em, khi mô cứng của răng bị tổn thương do quá trình hoạt động và phát triển của vi khuẩn. Trẻ bị sâu răng thường có dấu hiệu đau răng, ê buốt, xuất hiện những đốm đen/nâu, lỗ hổng trên răng.

Nguyên nhân:

  • Trẻ thường xuyên ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn chứa axit làm men răng suy yếu
  • Trẻ chưa được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách

Viêm nướu

Viêm nướu là tình trạng nhiễm khuẩn gây viêm nướu răng ở trẻ em, dẫn đến đau miệng. Khi bị viêm nướu, trẻ thường bị lở loét, sưng đỏ nướu, trong miệng, lưỡi, vòm miệng và nướu dễ bị chảy máu.

Nguyên nhân:

  • Bé bị nhiễm vi rút herpes simplex loại 1 (HSV-1)
  • Bé bị nhiễm vi rút coxsackie  gây ra bệnh tay chân miệng và herpangina
  • Hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, vệ sinh răng kém, thức ăn thừa, mảng bám tồn đọng nhiều trong kẽ răng làm vi khuẩn sinh sôi

Viêm tủy răng

Viêm tủy răng là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở vùng tủy và các mô quanh chân răng. Bệnh này có thể khiến trẻ bị đau nhức, ê buốt khi ăn, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây viêm nhiễm.

Nguyên nhân:

  • Sâu răng
  • Chấn thương răng

hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho bé theo từng độ tuổi

Tìm hiểu thêm: Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

3.Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho bé theo từng độ tuổi

Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ từ nhỏ, cũng như giáo dục và rèn luyệt thói quen chăm sóc răng cho con sẽ mang đến nhiều lợi ích cho con sau này.

Trẻ từ 6 tháng tuổi

Đây là giai đoạn bé chuẩn bị hoặc đã đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Ba mẹ cần lưu ý chăm sóc răng sữa cho con theo hướng dẫn sau:

  • Từ trước khi bé nhú răng, mẹ hãy sử dụng gạc rơ lưỡi thấm nước ấm để vệ sinh lưỡi và nướu cho con sau khi bú
  • Khi bé bắt đầu nhú chiếc răng đầu tiên, mẹ có thể dùng gạc rơ lưỡi thấm nước muối pha loãng làm sạch răng, nướu và lưỡi bé

Trẻ từ 1 – 2 tuổi

  • Ở giai đoạn này, nếu bé chưa có răng thì mẹ cứ tiếp tục vệ sinh răng, miệng cho con bằng gạc lưỡi thấm nước muối pha loãng.
  • Nếu bé đã có răng, mẹ có thể bắt đầu cho con làm quen với việc đánh răng. Việc đánh răng ở độ tuổi này vẫn chỉ nên đi cùng với nước muối pha loãng vì nhiều bé vẫn chưa nhận thức được việc nhổ nước đánh răng ra.
  • Mẹ hãy hướng dẫn và khuyến khích bé nhổ nước súc miệng ra để bé dần quen với việc này.
  • Khi con được 1 tuổi, bạn nên đưa bé đến nha sĩ để kiểm tra răng phát triển bình thường không.

Trẻ từ 3 – 6 tuổi

  • Trẻ bắt đầu thay răng sữa sang răng vĩnh viễn, đến lúc này mẹ có thể tập cho con tự đánh răng bằng bàn chải mềm, nhỏ dành cho trẻ em.
  • Tập cho bé đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần đánh trong khoảng 2 phút.
  • Bố mẹ hãy quan sát cách con chải răng, và hướng dẫn, nhắc nhở con cách chải răng mặt ngoài lẫn mặt trong thật cẩn thận
  • Mẹ có thể cho bé sử dụng 1 ít kem đánh răng (lượng rất ít, tầm một hạt đậu nhỏ) và hưỡng dẫn con cách đánh và nhổ nước súc miệng sau khi đánh.
  • Hãy luôn giám sát khi trẻ đánh răng, nhằm đảm bảo con đánh răng đúng cách và không nuốt phải kem đánh răng

Trẻ từ 6 – 9 tuổi

  • Đảm bảo bé đánh răng 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 2 phút.
  • Dù con đã lớn hơn và có thể đã quen thuộc với việc đánh răng, bố mẹ vẫn nên thường xuyên kiểm tra cách con đánh răng nhằm đảm bảo con biết cách vệ sinh răng toàn diện, vệ sinh toàn bộ các mặt của răng.

Tham khảo: Vệ sinh răng miệng cho trẻ

4.Lời khuyên giúp trẻ phòng ngừa sâu răng

Mọc răng thường đi kèm với hàng tá vấn đề, nổi trội trong đó là sâu răng. Khi bé đã có răng, bạn sẽ phải quan tâm làm thế nào để răng đẹp và không sâu răng. Thật không may, rất nhiều món ăn yêu thích của bé có thể gây sâu răng.

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp bé phòng ngừa sâu răng hiệu quả:

  • Bắt đầu vệ sinh răng, miệng, nướu cho con từ sớm, ngay khi bé bắt đầu mọc răng.
  • Luôn nhắc nhở con đánh răng 2 lần/ngày.
  • Có thể cho bé sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride với liều lượng vừa phải khi bé từ 6 tuổi trở lên, hoặc khi con hoàn toàn biết cách nhổ nước đánh răng ra ngoài, vì fluoride rất hữu ích trong việc chống sâu răng. ( Tham khảo: Florit)
  • Cho bé ăn uống lành mạnh, tránh ăn nhiều thức ăn, đồ uống ngọt, nhiều đường.
  • Đưa bé đi khám nha sĩ định kỳ, bắt đầu từ khi bé 6 tháng tuổi.

Một số bé không bị sâu răng, trong khi một số bé khác phải liên tục đến nha sĩ vì sâu răng. Mẹ hãy thao khảo thêm mục Chăm sóc sức khoẻ của bé hoặc Chăm sóc bé để tìm hiểu cách chăm sóc cho các bé có vấn đề về răng miệng, cũng như các món ăn tốt cho răng của bé nhé!

Thẻ:
Chăm sóc sức khỏe cho bé
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Cách tắm cho bé

Lần đầu làm mẹ, tắm cho bé hẳn là một thử thách đối với mẹ. Làm thế nào để đảm bảo bé tắm an toàn

Rối loạn Gen

Nếu bạn đã xúc động và lo lắng khi chứng kiến những rối loạn di truyền ở trẻ em (thông qua một người bạn hay

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!