Nhận biết phân sống ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách xử lý

Đi ngoài phân sống là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm lớn, chậm tăng cân, và phát triển chiều cao. Đây là dấu hiệu của sự rối loạn ở bộ máy tiêu hóa, dẫn đến cơ thể trẻ không hấp thu được các chất dinh dưỡng cần thiết.

Nếu hiện tượng đi ngoài phân sống kéo dài lâu ngày, bé có thể bị còi xương, suy dinh dưỡng do hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Vậy với hiện tượng phân sống ở trẻ sơ sinh, mẹ phải làm sao? Để Huggies mách mẹ những tuyệt chiêu giúp “đánh đuổi” hiện tượng trẻ đi ngoài phân sống, cho bé hệ tiêu hóa khỏe mạnh để phát triển tối đa mẹ nhé.

Thế nào là phân sống ở trẻ sơ sinh?

Phân sống ở trẻ sơ sinh là tình trạng thức ăn không được tiêu hóa triệt để. Mẹ có thể dễ dàng nhận thấy điều này nếu như “trẻ ăn gì thường đi ra ngoài cái đó”. Đây là một trong những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa hay còn gọi là loạn khuẩn đường ruột.

Phân sống tuy không gây nguy hiểm khẩn cấp đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ, nhưng đây là vấn đề rối loạn cần được xử lý kịp thời, nhằm tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ sơ sinh bởi tình trạng giảm hấp thu dưỡng chất.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống

Khi trẻ đi ngoài phân sống, phân của trẻ có một số biểu hiện rất đặc trưng sau đây mà mẹ nên lưu ý:

  • Trẻ đi phân lúc rắn lúc sền sệt hoặc nước riêng phân riêng, phân đôi khi có nhiều nhầy, sủi bọt.
  • Phân trẻ có nhiều hạt lợn cợn trắng, xám, đôi khi có cả những sợi thức ăn, rau củ còn nguyên hình.
  • Phân có mùi chua, do thức ăn chưa tiêu hóa bị lên men bởi vi khuẩn yếm khí.
  • Phân màu vàng ngả qua xanh (màu dưa cải).

Nguyên nhân trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống

Hiện tưởng trẻ nhỏ đang ở độ tuổi ăn dặm đi phân sống là điều bình thường bởi hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này chưa hoàn thiện. Trẻ đang tập quen dần với thức ăn thô thay vì sữa. Vì thế, phân của trẻ sẽ dần ổn định sau 1 thời gian ăn uống. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý khi bé cảm thấy khó chịu, quấy khóc, đồng thời tình trạng đi phân sống kéo dài hơn bình thường thì đây có thể không còn là hiện tượng sinh lý nữa.

Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng phân sống ở trẻ, một trong những nguyên nhân phổ biến là:

  • Trẻ ăn dặm quá sớm.
  • Chế độ ăn chưa khoa học, dư thừa nhiều chất: Hầu hết các bà mẹ đều cho rằng cho bé ăn nhiều đạm, chất béo giúp bé tăng cân nhanh và phát triển khoẻ mạnh. Nhưng điều này sẽ làm mất cân bằng các nhóm dinh dưỡng, hệ tiêu hoá không được xây dựng ổn định và dẫn tới rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do không hấp thu được hết dinh dưỡng và đi ngoài phân sống.
  • Thay đổi môi trường, thói quen ăn uống.
  • Giờ giấc ăn không hợp lý, mỗi bữa ăn cách nhau quá gần, hoặc gần với thời điểm trẻ đi ngủ.
  • Trẻ phải dùng thuốc kháng sinh kéo dài làm mất vi khuẩn có lợi đường ruột.
  • Môi trường không hợp vệ sinh, trẻ mắc giun sán.
  • Một số ít trường hợp do chức năng gan của trẻ kém hoặc tắc ống dẫn mật.

Phân sống ở trẻ sơ sinh có đáng lo?

Thông thường, nếu trẻ đi ngoài phân sống rắn và lợn cợn, với tần suất không kéo dài quá lâu (khoảng 1-3 lần/ngày) thì không đáng lo mẹ nhé. Ba mẹ chỉ cần duy trì chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp, cơ thể bé sự tự đào thải độc tố cùng các chất dư thừa ra ngoài cơ thể và sớm phục hồi lại sức khỏe.

  • Đối với bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 3 tháng đầu khi sinh, dù xảy ra tình trạng đi ngoài phân sống, nhưng trẻ vẫn tăng cân đều, ổn định thì các mẹ cũng không nên quá lo lắng. Bé có thể đi ngoài tới 4 hoặc 5 lần/ngày nhưng việc này cũng sẽ sớm biến mất trong khoảng 2 – 3 tháng sau đó.
  • Đối với bé bú sữa công thức đi ngoài phân sống do không hợp, mẹ chỉ cần thay đổi sang loại sữa khác thì hiện tượng đi ngoài cũng sẽ dần cải thiện hơn đấy.

Xem thêm: Tìm hiểu thêm về sữa công thức

Cho trẻ ăn dặm đúng cách

Tuy nhiên, mẹ cũng không nên vì thế mà chủ quan bởi tình trạng phân sống ở trẻ sơ sinh cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hại tới sức khỏe. Đó có thể là biểu hiện của bệnh rối loạn tiêu hóa. Nếu bé không được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây suy dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ. Bé còn có thể chậm phát triển cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ so với các bạn bè cùng lứa. Đăc biệt nguy hiểm hơn là nhiều bé còn phải gặp phải tình trạng co giật do thiếu calcium hay yếu cơ do thiếu kali,…

Do đó, khi xảy ra triệu chứng phân sống ở trẻ sơ sinh, mẹ lưu ý cần nhanh chóng đưa bé đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, nhất là trong các trường hợp:

  • Bé đi ngoài ra phân sống kèm theo biểu hiện bị thiếu nước.
  • Bé đi ngoài liên tục trong 3 tháng đầu sau sinh.
  • Bé biếng ăn, mệt mỏi, chậm tăng cân.
  • Bé nôn ói, nóng sốt.
  • Tình trạng phân sống kéo dài trên 10 lần/ngày. Đây là dấu hiệu tiêu chảy cấp.
  • Trong phân có lẫn máu tươi, nhiều nước.

Khi thấy bé bị đi ngoài phân sống, mẹ cần đặc biệt chú ý không nên tự ý cho bé dùng thuốc cầm tiêu chảy, vì điều này có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ do phần thức ăn dư thừa còn sót lại trong cơ thể bé bị giữ lại bên trong ruột, nếu không được thải ra ngoài kịp thời sẽ dẫn tới tắc ruột.

Trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống phải làm sao?

Ngoài việc cho bé đến bệnh viện thăm khám kịp thời và làm xét nghiệm xem bé có thật sự đi ngoài phân sống hay không. Các mẹ nên dựa theo kết quả xét nghiệm, tuân thủ theo đơn thuốc và sự tư vấn của bác sỹ. Ngoài ra, mẹ nên liên tục theo dõi tình trạng phân của bé, để cân đối giữa việc dùng thuốc, bổ sung các chế phẩm có ích cho đường ruột, và điều tiết chế độ ăn hợp lý bằng cách:

  • Cho bé ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo thịt nạc (thịt gà, bò hoặc thịt heo), cùng các loại rau củ (cà rốt, khoai tây, bí đỏ…) trong 1-2 tuần.
  • Nấu nhừ, băm nhỏ hoặc xay cháo và cho bé ăn lượng ít mỗi bữa.
  • Cắt giảm thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại đồ hộp, bánh kẹo, nước ngọt có gas.
  • Tạm thời ngừng cho ăn các thực phẩm tanh như hải sản (cá, tôm, cua, lươn…), các thực phẩm cứng (đậu, ngô,…).
  • Bổ sung men vi sinh cho trẻ sơ sinh có chứa các lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa của bé, giúp phòng và điều trị nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa.
  • Cho bé ăn 100ml sữa chua mỗi ngày và nên ăn sau bữa ăn chính khoảng 1 tiếng.
  • Khi nấu bột ăn dặm, các mẹ cần lưu ý về thời gian nấu. Sau khi nước sôi, cần đun nhỏ lửa thêm 15-20 phút cho tới khi bột nở bén mới tắt bếp. Nhiều mẹ nấu bột rất nhanh, chỉ đun sôi tầm 5 phút là đã cho bé ăn – đây cũng là một trong nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân sống.

Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh giải đáp tình trạng này như sau:

bac si

Hiện tượng đi tiêu phân sống là khi trẻ ăn gì thường đi ngoài ra cái đó. Các chất đạm, mỡ, tinh bột mà hệ tiêu hóa không hấp thu hết hoặc không hấp thu được sẽ còn rất nhiều khi làm xét nghiệm cặn dư trong phân. Nguyên nhân có thể do hệ tiêu hóa của trẻ còn non kém, chưa hấp thu được các chất trên (thường gặp phải khi mẹ cho trẻ ăn dặm sớm hoặc mẹ cho ăn quá nhiều, trẻ không có khả năng hấp thụ hết), hoặc do hệ tiêu hóa bị bệnh, như tiêu chảy, viêm ruột, cắt đoạn ruột dài… gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng kém hấp thu.

Khi bé đang ăn bột, nếu mẹ thấy phân còn màu sắc, hình dạng như ban đầu, hoặc nhầy mỡ chứng tỏ bé đang đi tiêu sống đấy mẹ ạ! Trong trường hợp bé uống sữa đi phân chua, loét quanh hậu môn chứng tỏ tình trạng kém hấp thu lactose gây tiêu phân sống.

Tùy theo tình trạng tiêu hóa kém hấp thu chất gì mà mẹ cần hạn chế cho bé ăn thức ăn đó lại, hoặc chế biến mềm, nhuyễn, dễ tiêu hơn. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho bé bổ sung thêm men tiêu hóa và kẽm 10 ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Nếu sau đó, bé vẫn không cải thiện, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra nhé!

bac si

Huggies hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp ba mẹ giảm bớt cảm giác bỡ ngỡ, có thêm kiến thức về hiện tượng trẻ sơ sinh đi phân sống cũng như cách chăm sóc giúp bé mau khỏi bệnh, hệ tiêu hóa khỏe mạnh và phát triển toàn diện mẹ nhé..

Xem thêm: Phân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?

Mẹ có thể tham khảo thêm thông tin tại chuyên mục Chăm sóc bé hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia để cập nhật kiến thức khi theo dõi tình trạng đi ngoài của bé.

Thẻ:
Chăm sóc trẻ sơ sinh
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!