Bé 14 tháng tuổi

Hiếu động là từ để mô tả các bé 14 tháng tuổi. Nếu mẹ có con lớn hơn, các bé lớn sẽ chơi với em bé trong các hoạt động khác nhau. Nhưng mẹ đừng mong bọn trẻ luôn chơi vui vẻ với nhau. Ở nhóm tuổi này đứa trẻ nào cũng cho mình là quan trọng nhất. Chia sẻ đồ chơi, chờ đến lượt mình hoặc cư xử nhã nhặn là tất cả các kỹ năng giao tiếp phát triển theo thời gian nhưng đợi đến lúc đó, các bé vẫn còn một chặng đường dài trước mặt.

Nuôi dạy đứa trẻ mới biết đi sẽ khác với dạy dỗ những đứa con lớn hơn. Mẹ vẫn phải theo dõi bé kỹ và đoán biết bé muốn gì. Kỹ năng nói của bé vẫn chưa hoàn chỉnh nên hầu hết giao tiếp của bé sẽ thông qua ngôn ngữ cơ thể, những từ ngữ và âm thanh cơ bản cũng như qua hành vi của bé. Mọi người trong nhà hãy trò chuyện nhiều với nhau. Hãy trò chuyện với bé trong lúc làm các công việc hằng ngày và thu hút bé tham gia những gì mẹ đang làm càng nhiều càng tốt. Dù điều này có thể khiến mẹ chậm lại nhưng có thể giúp bé nhận ra mối liên kết giữa hành động và lời nói và làm sao để làm xong việc đó.

Tham khảo:

Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Các tuần khủng hoảng Wonder Week của trẻ

Sự phát triển của trẻ 14 tháng tuổi

  • Có thể lúc này bé chịu đi bộ nhưng đừng bận tâm nếu thỉnh thoảng bé vẫn bò trở lại. Mẹ hãy chăm sóc trẻ 14 tháng tuổi bằng cách mẹ có thể cho bé mang giày để bảo vệ chân khi ra ngoài. Chọn giày có đế mềm, dẻo và linh hoạt giúp chân bé thoải mái. Loại giày bít mềm là lý tưởng, đặc biệt là loại có rãnh dưới đế chống trơn trượt, để bé đi chân trần càng tốt. Điều này giúp bé biết cách giữ thăng bằng và phối hợp khi bé nhận ra những gì liên quan đến bước đi và chuyển trọng lượng cơ thể lên các phần khác nhau của bàn chân và ngón chân.
  • Trẻ 14 tháng tuổi có thể bụng hơi to – điều này là bình thường trong những năm đầu đời. Cơ thể cao lên, bụng phình ra, phần mông nhỏ và chân khom lại là dáng vẻ đặc trưng của lứa tuổi này. Đừng lo lắng nếu tỷ lệ của các bộ phận trên cơ thể này không cân đối. Khi xương của bé dài ra và cơ thể trưởng thành, vóc dáng bé cũng sẽ thay đổi. Nhưng ở giai đoạn tưởng chừng còn sớm này đã có thể thấy rõ là bé giống mẹ hoặc ông xã.
  • Nếu bé ít tóc hoặc không có tóc, đây là lúc tóc bắt đầu mọc và có thể khá lâu tóc mới sậm màu hơn. Một số trẻ cắt tóc lần đầu ở độ tuổi này và đây có thể là một khoảnh khắc cảm xúc đặc biệt, nhất là với các bà mẹ. Đó có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé đang lớn lên. Mẹ cũng có thể giữ lại một ít tóc bé và cất ở một nơi an toàn để làm kỉ niệm.

Tham khảo: Giấc ngủ của trẻ

Chơi và tương tác với trẻ 14 tháng tuổi

bé 14 tháng đọc sách

  • Khi chăm sóc trẻ 14 tháng tuổi mẹ sẽ thấy bé thường thích chơi đùa và sẽ tìm cách chơi với những người khác bất cứ khi nào có thể. Bé 14 tháng có thể làm gì đó một lần và nếu việc đó khiến người khác cười, sau đó bé sẽ làm đi làm lại việc đó. Tất cả khái niệm về làm mẫu, bắt chước, nguyên nhân, kết quả và sự trông đợi sẽ bắt đầu ở lứa tuổi này. Ngay cả khi mẹ thấy trò chơi của bé chán ngắt, hãy cố gắng chơi cùng và cho bé thấy sự hào hứng của mẹ nhé.
  • Mẹ nên đọc truyện cho trẻ 14 tháng tuổi nghe mỗi ngày cũng như để cho bé thấy khi mẹ đọc sách. Hãy đưa bé đến thư viện và cùng nhau tìm sách. Các cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng, chỗ bán đồ cũ và các siêu thị là những nguồn sách trẻ em giá rẻ tuyệt vời. Hãy xem đọc sách như niềm vui của cả nhà và là một phần bình thường trong cuộc sống hàng ngày của mẹ, khi trẻ lớn lên sẽ có khả năng ngôn ngữ tốt và bắt đầu những năm học đầu tiên khá dễ dàng.

Giấc ngủ của trẻ 14 tháng tuổi

Theo The bump, trẻ trong độ tuổi này sẽ dành ít nhất 11 – 14 giờ mỗi ngày để ngủ. Vào ban đêm, bé ngủ khoảng 11 giờ và ngủ thêm một vài giấc ngắn vào ban ngày. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng giống nhau, một số bé tỏ ra hiếu động và thích được chơi đùa cùng bố mẹ, anh chị hơn là đi ngủ. Nếu thiên thần nhỏ của mẹ dường như thức khuya vào ban đêm, hãy thử cho con tắm nước ấm, kết hợp với một vài bài hát ru để giúp trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ hơn.

Thỉnh thoảng, việc không cho con ngủ quá nhiều vào ban ngày cũng sẽ khiến bé có cảm giác thèm ngủ hơn về đêm. Vì vậy, bố mẹ hãy tạo ra thật nhiều hoạt động cho con yêu để bé có thể tiêu hao hết năng lượng và ngủ đúng giờ nhé.

Mẹ có thể mong đợi gì ở trẻ 14 tháng tuổi

Có lẽ thái độ “lì lợm” sẽ xuất hiện khi bé 14 tháng tuổi nhận ra những gì bé có thể và không thể kiểm soát được. Lúc này mẹ hãy cố gắng bình tĩnh như không nhìn thấy sự phản kháng của bé. Cùng với bé, mẹ sẽ học được những gì là quan trọng và cần mẹ phản ứng lại. Cố gắng để lời nói và hành động của mẹ phù hợp với nhau. Bé sẽ phát triển thói quen trong một môi trường mà bé biết ai sẽ đáp ứng nhu cầu chủ yếu của mình.

Có lúc mẹ sẽ thấy làm cha mẹ khá đơn giản và dễ dàng nhưng cũng có lúc thấy khó khăn. Đây là lúc bé thích khám phá và hay tò mò, bé sẽ cần xóa bỏ những giới hạn quen thuộc để tìm hiểu về những điều mới lạ. Điều này sẽ dẫn đến những khoảnh khắc thú vị khi bé muốn chơi với một cái gì đó hoặc đi đâu đó. Hãy nhớ rằng không phải lúc nào cũng làm bé hài lòng mà là phải giữ cho bé an toàn. Sẽ có lúc mẹ cần tự nhủ rằng mặc dù bé biết những gì bé muốn, mẹ vẫn phải biết những gì bé cần.

Tập thói quen ăn uống tốt cho trẻ 14 tháng tuổi

Ghế cao sẽ là một trong những món đồ nội thất được sử dụng nhiều nhất trong nhà mẹ từ bây giờ. Hãy tập thói quen thắt dây an toàn cho bé vào ghế, đây là tuổi thích leo trèo và khi bé muốn, bé leo trèo rất nhanh. Mẹ sẽ thấy sự hữu ích của ghế cao khi ăn ngoài cũng như ăn ở nhà. Mẹ hãy đặt ghế cao đó cạnh bàn nơi mọi người ngồi ăn. Nhớ tắt ti vi để mọi người trò chuyện trong bữa ăn. Trẻ bị phân tâm bởi TV, DVD và các thiết bị điện tử khác trong lúc ăn khó phát triển kỹ năng ăn uống.

Tham khảo: Làm gì khi trẻ biếng ăn

Đối với bé 14 tháng tuổi, việc ăn uống độc lập rất quan trọng nên hãy cân nhắc việc dừng đút trẻ ăn bằng thìa (nếu có). Trừ khi có vấn đề với sự phát triển, bé có thể tự ăn và dừng lại khi đã no. Bé có thể muốn ăn từ đĩa của mẹ cũng như đĩa của bé. Điều này hoàn toàn bình thường. Cố gắng cho bé ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau ngay cả khi bé không thích. Mẹ hãy nhớ rằng trẻ thường thử một món ăn mới từ 10-20 lần trước khi quen với món đó.

Tham khảo: Các món ăn dinh dưỡng cho bé

Bé 14 tháng tuổi vẫn giữ thói quen bú mẹ

Trái với suy nghĩ nhiều người, việc tiếp tục bú mẹ sau một năm tuổi mang lại nhiều lợi ích. Mặc dù bé nhận hầu hết các chất dinh dưỡng từ thức ăn dặm, sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp calo, vitamin, enzim và các kháng thể có giá trị. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ hơn một tuổi còn bú mẹ ít khi mắc bệnh.

Cho bé bú khi quá 12 tháng tuổi không làm cho bé trở nên quá phụ thuộc. Việc bú sữa mẹ tạo ra mối gắn kết mạnh mẽ và cung cấp sự hỗ trợ về cảm xúc để khuyến khích sự độc lập và tự tin.

Chăm sóc sức khoẻ cho bé 14 tháng tuổi

Bé 14 tháng tuổi tìm hiểu về thế giới qua các giác quan, kể cả vị giác nên mẹ cố gắng không đặt nặng vấn đề cách ly môi trường của bé. Hệ thống miễn dịch của bé được cấu tạo để đối phó với việc tiếp xúc hàng ngàn vi khuẩn mỗi ngày. Nhưng phải nhớ rằng phân bón, thuốc trừ sâu, chì, phân động vật và các chất ô nhiễm khác có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Mẹ có thể thấy bé bị cảm lần đầu tiên ở tuổi này, đó thường là lúc bé khó chịu. Cảm lạnh rất phổ biến trong những năm đầu đời và khi trẻ trong độ tuổi mầm non do trẻ chưa có kháng thể. Lúc này mẹ cũng không cần điều trị gì ngoại trừ giúp làm giảm các triệu chứng và âu yếm bé. Tuy nhiên, mẹ cần đưa bé đi bác sĩ nếu bé bỏ ăn uống, không đi tiểu, nhiệt độ cao, ho hoặc khó thở.

Đừng để bé lại gần mấy chú chó trong nhà ngay cả khi bé đã quen thuộc. Không bao giờ để bé một mình mà không có người trông. Cũng đừng nghĩ là bé biết cách cư xử nhẹ nhàng với các thú nuôi trong nhà. Học cách nâng niu, chăm sóc thú nuôi trong nhà là những kỹ năng đòi hỏi khả năng nhận thức nhất định. Ở tuổi này, bé còn quá nhỏ để biết cách chăm sóc vật nuôi.

Lời khuyên khi chăm sóc trẻ 14 tháng tuổi

  • Đánh răng cho trẻ ít nhất hai lần một ngày bằng bàn chải đánh răng có đầu nhỏ, mềm với nước sạch là tốt nhất.
  • Tuổi này bé có thể ngủ giảm xuống còn một lần vào ban ngày. Nếu bé vẫn ngủ vào buổi chiều, điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm của bé. Hãy sắp xếp giờ ngủ của bé. Khi gắt gỏng, mệt mỏi bé sẽ không thích chơi nữa cũng như khi cơ thể và não bé mệt mỏi, chỉ có một cách là đưa bé đi ngủ.
  • Bé 14 tháng tuổi thay đổi quần áo rất nhiều do bé thích nghịch bẩn. Hãy chuẩn bị sẵn quần áo để bé mặc khi chơi, chịu được các hao mòn.
  • Bảo vệ bé 14 tháng dưới nắng mặt trời là việc cần thiết. Một chiếc mũ rộng vành, kính mát và kem chống nắng phổ rộng khi bé chơi ngoài trời là rất cần thiết. Chỉ nên cho bé chơi ngoài trời trước 10 giờ sáng và sau 3 giờ chiều và cố gắng giữ bé trong bóng râm. Mẹ cũng cần bảo vệ da của mình và làm mẫu cho bé phòng tránh nắng mặt trời với những cảnh báo hợp lý.
  • Đừng cố gắng trở thành một “bà mẹ chuyên gia” bên cạnh ông xã của mẹ để cùng chia sẻ việc chăm sóc con. Cả nam và nữ đều học các kỹ năng nuôi con quan trọng khi họ đều trở thành cha mẹ như nhau. Nếu bạn là cha mẹ đơn thân thì hãy tìm cách chăm sóc con phù hợp.
  • Khoan nghĩ đến việc chuyển bé 14 tháng sang ngủ giường, dù bé có vẻ đang lớn ra so với chiếc nôi của mình thì vẫn còn đến vài tháng để bé đủ lớn để có thể chuyển sang ngủ giường. Giường thì tiện lợi cho một đứa trẻ hiếu động nhưng bé vẫn còn quá nhỏ để biết được những gì liên quan đến việc ngủ giường.
  • Ở tháng tuổi này, khả năng sáng tạo của bé rất phát triển. Do đó ba mẹ hãy cùng chơi với bé, hướng dẫn bé cách sử dụng đồ chơi theo nhiều kiểu khác nhau để trí thông minh, sáng tạo của bé càng được phát huy hơn nữa.
  • Để mở rộng vốn từ vựng cho con, ba mẹ nên nói chuyện nhiều với bé, đọc cho bé nghe các câu truyện cổ tích, ngụ ngôn, giải thích cho con biết về các sự vật, hiện tượng xung quanh với tên gọi của chúng để giúp trẻ hình thành và ghi nhớ vào não bộ.
  • Bé cũng sẽ thích thú nếu mẹ sao chép những gì trẻ đang làm, đây là cách chia sẻ giữa mẹ và bé tốt nhất.
  • Nếu bé có các biểu hiện như luôn tỏ ra thờ ơ, không thích khám phá môi trường xung quanh hoặc không cố gắng nói để giao tiếp với người lớn, bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và kiểm tra.
Thẻ:
Phát triển của bé qua từng tháng
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Chăm sóc bé 2 tuổi

Bé 2 tuổi, chăm sao mẹ ơi? 24 tháng tuổi là một cột mốc quan trọng về sự độc lập và phát triển kỹ năng

Bé 9 tháng tuổi

Bé 9 tháng tuổi hiếu động và thích khám phá hơn. Bé biết trườn để di chuyển khắp sàn. Bé thậm chí dùng mông để

Bé 8 tháng tuổi

Khi bé 8 tháng tuổi, đây là lúc bé trở nên hiếu động, ham học hỏi và rất thích làm người lớn. Bé phát hiện

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!