Sinh non là một hiện tượng tương đối phổ biến, xảy ra với khoảng 7-10% số phụ nữ mang thai. Sinh non được tính khi việc sinh nở diễn ra trước khi đứa trẻ được 37 tuần. Trong đó thai nhi 35 tuần – 36 tuần mà mẹ có dấu hiệu chuyển dạ được gọi là trẻ sinh non muộn Những trẻ sinh non có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, những tiến bộ trong việc quản lý sinh non giúp tỷ lệ trẻ sinh non có thể sống được rất cao, đặc biệt đối với những đứa trẻ đã được 30 tuần. Thậm chí cả trước giai đoạn đó, những em bé 26 tuần tuổi thai vẫn có khoảng 25% cơ hội sống sót mà không bị ảnh hưởng gì về sau.
Tham khảo: Trẻ sinh non 6 tháng
Rất khó để xác định lý do tại sao lại sinh non hoặc tại sao lại vỡ ối. Bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu sinh non như bên dưới.
Dấu hiệu dẫn đến sinh non
Chúng ta không thực sự hiểu được cơ chế dẫn đến việc chuyển dạ. Người ta cho rằng em bé có nhiệm vụ truyền đi nội tiết tố đóng vai trò như một chất xúc tác để bắt đầu quá trình chuyển dạ. Có thể có dấu hiệucho thấy phổi của trẻ đã sẵn sàng thở một cách độc lập và không còn phụ thuộc vào dây rốn để lấy máu và ôxy. Một giả thuyết khác là nhau thai tiết ra kích thích tố, hoặc âm đạo và cổ tử cung của người mẹ sản xuất ra một loại protein đặc biệt ngay trước khi bắt đầu chuyển dạ.
Các yếu tố có thể dẫn đến sinh non
Có nhiều yếu tố làm tăng khả năng sinh non mặc dù các yếu tố này không phải ai cũng gặp. Ngay cả khi không có các yếu tố này, nhiều trẻ vẫn bị sinh non. Khoảng một nửa các bà mẹ sinh non không gặp bất kỳ nguy cơ nào.
- Người mẹ có chẩn đoán tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, bệnh miễn dịch tự động, tử cung, đường tiết niệu hoặc cơ quan khác bị nhiễm trùng.
- Hút thuốc lá, lạm dụng ma túy, uống rượu.
- Có tiền sử sinh non.
- Có thai nhiều lần làm tăng nguy cơ sinh non.
- Người mẹ thiếu dinh dưỡng, tăng cân không đầy đủ hoặc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ. (Tham khảo: Mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là đủ)
- Nhau tiền đạo, nhau bong non, xuất huyết trước sinh.
- Bệnh nha chu.
- Sinh non thường diễn ra với phụ nữ dưới 17 tuổi hoặc hơn 35 tuổi.
Đôi khi sinh non là không thể tránh khỏi hoặc đôi khi do chủ định. Sinh non có thể gây ra nhiều rủi ro hơn cho em bé (hoặc bà mẹ), nhưng tử cung không phải lúc nào cũng là nơi an toàn nhất cho đứa trẻ.
Sinh non có thể xảy ra trong các nhà hộ sinh do nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa chọc vỡ ối và truyền thuốc Syntocinon. Đây là một nội tiết tố làm cho tử cung co thắt. Hầu hết các trường hợp chuyển dạ thì tử cung sẽ mở ra, trừ khi đứa trẻ yếu hay thai phụ không “rặn” được, thì bác sĩ sẽ phải mổ để lấy đứa trẻ ra.
Có thể lên kế hoạch mổ để lấy đứa trẻ trước khi đến thời điểm sinh. Ví dụ, khi một người mẹ bị ốm, bị tiền sản giật, bệnh tiểu đường hoặc suy nhau thai thì mổ lấy thai có thể là lựa chọn an toàn nhất, ngay cả khi bé chưa đủ ngày đủ tháng.
Tham khảo: Sinh non 28 tuần có nuôi được không
Các dấu hiệu sinh non và triệu chứng của sinh non
- Co thắt tử cung trước khi đến ngày dự sinh.
- Vỡ ối sớm so với dự sinh.
- Chảy máu âm đạo.
- Đau mỏi lưng.
- Tử cung “mở” trước khi đến ngày dự sinh.
Với các bà mẹ đã từng sinh con, việc tử cung giãn ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ là bình thường.
Rủi ro với người mẹ khi sinh non
- Chảy máu và nhiễm trùng.
- Lo lắng, chưa chuẩn bị về tinh thần vì có em bé sớm hơn dự kiến.
- Lo lắng nếu em bé được đưa đi chăm sóc đặc biệt.
- Việc phải mổ để lấy thai là khá phổ biến. Đầu trẻ sinh non rất mềm và cần được bảo vệ khi tuột xuống đường sinh của người mẹ. Người mẹ vẫn phải cắt tầng sinh môn mặc dù đầu của con mình khá nhỏ. Việc bác sĩ sản khoa sử dụng kẹp để kéo đứa trẻ ra ngoài cũng khá phổ biến vì việc này giúp kiểm soát không để đầu của em bé tuột ra quá nhanh.
Rủi ro cho trẻ sinh non
- Phổi và các cơ quan hô hấp chưa hoàn thiện, có nghĩa là trẻ cần thở ôxy. Bệnh màng trong cũng khá phổ biến ở trẻ sinh non.
- Các vấn đề về ruột như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng, xuất huyết não và chảy máu.
- Rối loạn thân nhiệt.
- Buồn ngủ và mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống.
- Gặp khó khăn trong việc duy trì lượng đường trong máu, có thể thấy bồn chồn và cần nhiều năng lượng để bù đắp.
- Ít mỡ dưới da mà điều này tác động đến khả năng giữ ấm của trẻ. Trẻ sơ sinh thường “tiêu hao” 10% trọng lượng trong vài tuần sau sinh. Ở trẻ sinh non và không có nhiều chất béo dư thừa, con số 10% là đáng kể.
- Khó khăn cho phụ huynh trong việc bế ẵm. Trẻ sinh non có thể bé nhỏ và yếu ớt, điều này có thể khiến nhiều người thấy khó bế ẵm và ngại bế. Ngoài ra, trẻ có thể phải tách khỏi mẹ để được chăm sóc đặc biệt, ảnh hưởng đến cảm xúc của tình mẫu tử.
- Việc cho bú bị gián đoạn.
Làm gì để ngăn không bị sinh non?
- Chăm sóc tiền sản định kỳ ở các giai đoạn được khuyến nghị trong thai kỳ.
- Tránh tăng cân quá nhiều. Khoảng 12 kg là mức trung bình trong thai kỳ.
- Khám nha sĩ ít nhất một lần trong thai kỳ, đánh răng ít nhất hai lần một ngày và làm sạch nướu. Nướu bị viêm nhiễm sẽ tạo ra prostaglandins – kích thích tố giống nội tiết tố kích thích việc sinh non.
- Nếu bạn cảm giác mình sắp sinh khi chưa đủ ngày tháng, hãy đến khám bác sỹ.
- Nếu bạn có bất kỳ yếu tố hay nguy cơ nào kể trên, có thể bạn sẽ sinh sớm hơn dự kiến.
Điều trị cho trẻ sinh non
Trong thời điểm sinh non, nếu có thể, nên có một bác sĩ nhi khoa có mặt ở đó. Nếu cần hỗ trợ thở hoặc hồi sức, thì yếu tố thời gian rất quan trọng. Các chuyên gia lưu ý rằng cần ngay lập tức đảm bảo em bé được thở ôxy kịp thời, đánh giá chính xác chỉ số Apgar và dùng thuốc hợp lý.
Nếu một người mẹ nghi ngờ rằng mình sẽ sinh non, người đó bắt buộc phải liên hệ ngay với bà đỡ, bác sĩ sản khoa hoặc đến phòng sinh của bệnh viện gần nhất. Trong một số trường hợp, việc chuyển dạ có thể trì hoãn được. Tuy nhiên, nếu đã vỡ ối và cổ tử cung đã giãn ra thì không thể trì hoãn được. Người mẹ có thể được cho dùng thuốc steroid để giúp hoàn thiện phổi của trẻ. Điều này giúp hạn chế việc phải thở ôxy và giúp trẻ có thể thở một cách độc lập.
Nghỉ ngơi là một yêu cầu bắt buộc với những ca có nguy cơ sinh non. Lý tưởng nhất là nghỉ tại nhà với sự hỗ trợ của chồng, bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, nếu em bé cần giám sát chặt chẽ và người mẹ không được giám sát chu đáo tại nhà, thì cần phải nhập viện. Việc tránh quan hệ tình dục cũng rất quan trọng vì điều này có thể khiến tử cung co thắt, đặc biệt là ở phụ nữ có cổ tử cung nhạy cảm.
Điều trị cho trẻ non tháng phụ thuộc vào thời gian mang thai em bé. Trẻ sinh non cần được hỗ trợ thở do phổi của chúng chưa hoàn thiện và không có khả năng mở rộng một cách độc lập.
Tham khảo: Cách chăm sóc bé
Hậu quả lâu dài của việc sinh non
Điều này cũng phụ thuộc vào mức độ sinh non và các yếu tố liên quan đến lý do sinh non. Một số trẻ cần phải ở lại bệnh viện hàng tháng sau khi chào đời, trong khi có những trẻ chỉ cần vài tuần.
Hãy nhớ rằng, trong đa phần các ca sinh non, người mẹ hầu như chẳng thể làm gì để có thể ngăn chặn việc này. Do đó, bạn không nên có cảm giác tội lỗi vì đã sinh con mình thiếu tháng.
Tham khảo: Chăm sóc bà bầu
Mẹ cũng đừng quên gửi ngay câu hỏi của mình về các Chuyên gia Huggies® nếu gặp vấn đề trong quá trình sinh con cần được giải đáp hay tham khảo thêm thông tin tại chuyên mục Sinh con trên website Huggies.com.vn