Thai nhi tuần 30

Khi thai nhi 30 tuần tuổi, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến ngày dự sinh của bé. Nếu đây là em bé đầu lòng, mẹ có lẽ sẽ cảm thấy vừa hào hứng vừa xen lẫn một chút e ngại. Lần đầu làm mẹ đồng nghĩa với việc đón nhận những biến đổi lớn lao trong đời. Cho dù mẹ có lên kế hoạch kỹ đến mấy, đâu đó vẫn sẽ có những khoảng cách lớn so với thực tế. Sau đây là những lưu ý cho mẹ mang thai 30 tuần về sự phát triển của thai nhi 30 tuần và nhu cầu dinh dưỡng cần thiết.

Tham khảo: Mang thai 3 tháng cuối

 

Mẹ mang thai 30 tuần đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ

Chính mẹ phải đoán trước và chăm sóc cho từng nhu cầu của con mình. Mẹ cần một thời gian tập luyện và những kinh nghiệm nhất định để làm được điều này.

Nếu mẹ đã có con, có thể mẹ sẽ băn khoăn về việc làm sao có đủ thời gian chăm sóc một đứa con nhỏ khác vẫn còn dựa vào mẹ, làm sao sắp xếp cuộc sống gia đình. Cố gắng đừng lo lắng quá. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình và bạn bè. Mọi người thường vui vẻ giúp một tay và cảm động khi được mẹ nhờ giúp đỡ.

 

Những thay đổi cơ thể của mẹ mang thai 30 tuần

  • Bụng của mẹ lớn hơn và ngực cũng lớn không kém khi mang thai tuần 30. Càng ngày mẹ càng khó nhìn thấy đầu gối hơn, và rốn có thể đã lồi ra. Ngực và phần đầu của bụng không còn cách nhau bao nhiêu. Bây giờ có lẽ mẹ sẽ thấy thoải mái hơn nếu thường xuyên mặc áo ngực cho bà bầu, bởi vì bầu vú ngày càng to và nặng hơn. Một số chị em thậm chí còn thấy cần mặc áo ngực khi ngủ.
  • Hãy để ý xem có các nốt mẩn đỏ dưới ngực hay không; mồ hôi sẽ làm các nốt ban này nổi nhiều hơn. Mẹ có thể tắm mát, bôi một lớp mỏng phấn rôm để tránh bị nấm.
  • Có khi mẹ thấy mình “xì hơi” khi ngồi xuống– là do cơ thể tự xả hơi để giảm trọng lượng đè lên đôi chân. Hãy tránh những chỗ đông người, và hãy tập đi lại thong thả. Hãy tìm cách nghỉ ngơi và thư giãn trong ngày.
  • Cơ thể mẹ sẽ tăng cân cùng với sự phát triển của bé khi thai nhi 30 tuần tuổi. Trong những tuần này, một số chị em tăng nửa kg mỗi tuần. Tình trạng cơ thể giữ nước là một trong những nguyên nhân làm tăng cân, nhưng hãy chú ý xem mẹ có tăng cân nhanh và đột ngột, hoặc có nhiều cơn đau đầu nặng hay không. Đây những triệu chứng bất thường, hãy hỏi bác sĩ nếu mẹ có những thay đổi này.

(Tham khảo: Mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là đủ)

Từ đây đến tuần thứ 36, mẹ cần kiểm tra tiền sản hai tuần một lần, từ tuần thứ 36 trở đi sẽ kiểm tra hàng tuần. Hãy làm quen với việc kiểm tra nước tiểu, đo huyết áp và đo mạch bụng. Việc này khá nhàm chán và mất thời gian, nhưng việc mẹ và thai nhi được theo dõi cẩn thận là quan trọng nhất. Ở ba tháng cuối của thai kỳ, mẹ dễ mắc các chứng tiền sản giật, chứng tiểu đường thai kỳ và chuyển dạ sinh non hơn

Tham khảo: Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối

Những thay đổi cảm xúc của mẹ mang thai 30 tuần

  • Mẹ đã cảm thấy đã quá sức chịu đựng chưa? Ở tuần thai thứ 30, có thể mẹ chưa mệt mỏi đến mức chỉ mong muốn sớm đến ngày sinh cho xong, nhưng mẹ đã khá mệt mỏi và nặng nề rồi đấy. Nếu mẹ đang phải chăm các con nhỏ nữa thì riêng chuyện cúi xuống tắm cho con trong bồn, nhấc con ra khỏi xe tập đi, lượm bao nhiêu đồ chơi vung vãi trên sàn nhà,… cũng sẽ khiến mẹ mệt lả vào cuối ngày.
  • Mẹ thấy như thể chỉ một mình mẹ phải gánh vác tất cả những chuyện liên quan đến thai nhi. Sự thực là như vậy, ở giai đoạn này, chồng mẹ chỉ giống như một người quan sát. Hãy chia sẻ với anh ấy cảm xúc của mình nếu mẹ cảm thấy ấm ức. Hãy nói rõ cho anh biết cách hỗ trợ mẹ, và đừng hy vọng anh có thể tự hiểu được suy nghĩ của mình mà không cần mình nói ra.

Sự phát triển của thai nhi 30 tuần

  • Khi thai nhi 30 tuần, em bé của mẹ nặng khoảng 1,3kg và dài chưa đầy 40 cm. Bé sẽ tăng khoảng 250g/1 tuần từ đây cho đến tuần thứ 35. Bé rất hay liếm, nuốt, cử động tay xung quanh, nhăn mặt và nhíu mày.
  • Khác với các tuần trước đó, thai 30 tuần đã có thể quay đầu từ hướng ngay sang hướng kia. Thân hình và khuôn mặt của bé đã rõ nét hơn. Thậm chí bé còn quay đầu từ bên này sang bên nọ và mở mắt, nhắm mắt. Đây cũng là lúc bé bắt đầu hiếu động, ngọ nguậy nhiều hơn. Một số chị em nói khi họ vào giường chuẩn bị ngủ thì bé bắt đầu ngọ ngoạy lung tung. Nhưng có thể vì lúc đó các mẹ không bận bịu với mọi việc nữa nên có thể nhận biết rõ hơn các vận động của bé.
  • Giờ thì bé choán đầy tử cung của mẹ, chạm vào gờ tử cung và tự xoay xở trong bụng mẹ. Các đầu dây thần kinh của mẹ nhận biết mọi chuyển động của bé, vì vậy mẹ cảm nhận rất rõ có một cơ thể bé nhỏ bên trong cơ thể mình.
  • Bước vào giai đoạn này, đầu của bé càng ngày càng to, não bộ “lớn” rất nhanh, kích thước vòng đầu cũng tăng trưởng không ngừng để kịp đáp ứng. Đồng thời để chuẩn bị cho quá trình hô hấp sau này, bé sẽ bắt chước các động tác thở bằng cách chuyển động liên tục cơ hoành của mình. Theo What To Expect, nếp nhăn não trong giai đoạn này cũng bắt đầu hình thành rõ nét hơn.
  • Nếu là bé trai, tinh hoàn đã di chuyển từ gần thận về háng. Nếu là bé gái, âm vật đã “nhô” lên bởi hai môi (môi lớn, môi bé) của âm vật chưa đủ lớn để che đi. Quá trình phát triển này sẽ tiếp tục hoàn thiện vài tuần trước khi sinh.
  • Cũng trong tuần 30, lông tơ của bé dần biến mất và cơ thể dần hoàn thiện. Da của bé giờ đây bớt trong hơn và đã trông giống da của một em bé sơ sinh. Lớp mỡ dưới da bắt đầu hình thành và tạo thành các nếp.
  • Xương của bé chắc hơn và chứa nhiều canxi hơn. Điều này có nghĩa chế độ ăn của mẹ ở giai đoạn này rất quan trọng. Hãy đảm bảo mẹ ăn một lượng thực phẩm giàu can-xi nhiều hơn 3-4 lần so với một người bình thường: sữa, pho-mát, sữa chua, hạt hạnh nhân, các loại cá có thể ăn cả xương, rau lá xanh. Nếu cơ thể mẹ không hấp thụ sữa bò thì hãy chọn các loại sữa đậu nành có bổ sung can-xi.

Tham khảo:

Tên ở nhà cho bé trai, bé gái

Đặt tên cho con gái

Đặt tên con trai hay

sự phát triển của thai nhi 30 tuần trong bụng mẹ

Thai 30 tuần đã quay đầu chưa?

Thai nhi quay đầu là một biểu hiện và là giai đoạn rất quan trọng. Khi đó, đầu của bé sẽ hướng xuống dưới, gáy quay về phía bụng mẹ và tạo áp lực lên tử cung. Khi chuẩn bị sinh, tử cung dần mở, càng rộng càng gây ra những cơn co thắt. Khả năng những “thiên thần” sẽ chào đời với tư thế tự nhiên, dễ dàng và an toàn.

Theo các chuyên gia cho biết, thời gian quay đầu của thai nhi không giống nhau. Nó còn phụ thuộc vào số lần mẹ mang thai, cụ thể:

  • Mẹ mang thai lần đầu: Với những mẹ khi lần đầu mang thai thường tử cung và xương chậu chưa bị ảnh hưởng nên thường từ tuần thứ 34, 35 thai nhi sẽ bắt đầu quay đầu.
  • Mẹ mang thai lần hai: Với các mẹ mang thai lần hai sẽ quay đầu muộn hơn, từ tuần thứ 36 hoặc 37.

Song, vẫn có rất nhiều trường hợp ở tuần thứ 28 thai nhi đã có dấu hiệu ngôi đầu. Vậy nên, tốt nhất mẹ nên đi siêu âm để có thể xác định chính xác thai nhi đã thực sự quay đầu hay chưa. Bên cạnh đó, thông qua việc theo dõi thai máy, vị trí cử động của chân tay bé, mẹ cũng có thể dự đoán được điều này.

Mẹ mang thai tuần 30 nên làm gì?

  • Chú ý tránh các hoạt động đột ngột dễ làm đau lưng khi mang thai. Khi mẹ ra khỏi giường, đầu tiên hãy nằm nghiêng một bên, rồi dùng hai tay chống cơ thể lên để mẹ ngồi được thoải mái. Xê mông đến gần thành giường để không phải vươn người về phía trước quá mức. Mẹ hãy tập thói quen ngồi một, hai phút trên giường như thế trước khi đứng dậy. Huyết áp của mẹ giảm xuống khi nằm so với khi đứng, vì vậy hãy cho cơ thể mẹ một vài phút để thích ứng.
  • Cảm giác hụt hơi hay khó thở có thể khiến mẹ khó chịu nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến bé 30 tuần trong bụng. Bé vẫn nhận đủ lượng oxy cần thiết thông qua nhau thai.
  • Càng gần ngày sinh, mẹ sẽ càng dễ mất ngủ. Tuy nhiên, không nên sử dụng bất cứ loại thuốc ngủ nào khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Hiện nay, không có bất kỳ loại thuốc ngủ nào hoàn toàn an toàn cho phụ nữ có thai.
  • Hãy đầu tư mua một số quần lót co giãn tốt cho phụ nữ mang thai. Mặc dù không đẹp, nhưng chúng là những người bạn đồng hành thân thiết của mẹ. Loại quần này được thiết kế để phù hợp với bụng bầu ngày càng to, để ôm sát và vừa vặn với mẹ cả khi ngồi cũng như lúc đứng, chúng sẽ giúp mẹ loại bỏ cảm giác khó chịu vì cấn bụng.
  • Tránh ăn nhiều, ăn không điều độ. Mẹ nên ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như trái cây, rau, bánh mì kẹp nướng, rau sống trộn, sữa chua, ngũ gốc, bánh quy giòn và pho mát. Nhớ uống nhiều nước. Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp tinh thần tỉnh táo và thận hoạt động tốt.
  • Nếu mẹ chưa có máy ảnh tốt thì hãy tìm hiểu đôi chút để mua. Có thể mẹ sẽ mong muốn ghi lại những khoảng khắc khi bé chào đời đấy.
  • Hãy hỏi bác sĩ về những lợi ích của việc tập giãn các cơ tầng sinh môn. Nếu mẹ định sinh thường, tầng sinh môn của mẹ cần phải giãn rất nhiều để giúp đầu của bé lọt ra. Đôi khi cần phẫu thuật mở âm đạo để cửa âm đạo rộng ra hơn. Mẹ nên tập co giãn tầng sinh môn để có thể không cần phẫu thuật mở âm đạo.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu mẹ bị nhiều hơn 4 cơn co thắt trong 1 giờ hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào khác của sinh non như: tiết nhiều dịch âm đạo hoặc thay đổi dạng dịch; dịch trở nên loãng, giống nhầy hay có máu, kể cả nếu dịch có màu hồng hay chỉ thoáng có chút máu; đau bụng hoặc đau thắt như khi hành kinh, áp lực gia tăng ở vùng xương chậu hoặc đau lưng dưới, nhất là khi mẹ chưa từng bao giờ bị như vậy.

Huggies hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các mẹ có thêm những kiến thức về sự phát triển của thai nhi 30 tuần tuổi. Xem tiếp sự phát triển của thai nhi các tuần tiếp theo:

Để biết thêm thông tin, hãy xem phần Mang thai hoặc Thai kỳ theo tuần

Thẻ:
Thai nhi theo tuần
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Thai nhi tuần 39

Trong giai đoạn thai nhi 39 tuần tuổi, bạn có thể rất dễ nóng giận vì chờ đợi ngày “khai hoa nở nhụy”. Cố gắng tránh

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!