Lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường

Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh, chuyên ngành Nội Nhi, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tham gia tư vấn y khoa cho bài viết này.

Lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường đòi hỏi sự nỗ lực của mẹ và ông xã trong việc học cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh, chăm sóc mẹ và học cách hỗ trợ nhau như thế nào để xây dựng một mái ấm nhỏ với sự có mặt của một thành viên mới, đôi khi phải cần sự hỗ trợ của những người thân quen nào đó nữa. Cùng Huggies tìm hiểu cách chăm sóc sau sinh thường như thế nào nhé.

Giai đoạn sau khi sinh bắt đầu từ sau khi sinh con và kết thúc khi cơ thể gần như đã trở lại trạng thái trước khi mang thai. Giai đoạn này thường kéo dài từ 6 đến 8 tuần.

Thời kỳ hậu sản sẽ làm mẹ có nhiều thay đổi, cả về tinh thần lẫn thể chất. Việc học cách đối phó với tất cả những thay đổi này là rất cần thiết khi trở thành một người mẹ mới. Đối với những mẹ sinh thường chỉ cần ở lại viện 3-4 ngày là được về nếu như không có biến chứng gì xảy ra. Khi được về nhà, đó thật sự là giai đoạn khá vất vả với mẹ, vì vừa phải chăm sóc bé, vừa chăm sóc bản thân.

>> Tham khảo thêm: Chăm sóc phụ nữ sau sinh trước khi ra viện và sau khi về nhà

Ý nghĩa của việc lập kế hoạch chăm sóc sau khi đẻ thường

Ông bà xưa thường có câu “cửa sinh là cửa tử” để nói về sự nguy hiểm của việc sinh nở của người phụ nữ. Dù sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể người mẹ đều có sự thay đổi rất nhiều và sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, việc lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau sinh thường là vô cùng cần thiết với nhiều lợi ích như:

  • Giúp các bà mẹ sinh thường phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
  • Hạn chế những biến động xấu đối với người mẹ như rét run, bí đái, rét,… sau sinh.
  • Giảm mất máu và làm tử cung co bóp tốt hơn.
  • Thúc đẩy sữa về nhanh và tăng sự gắn kết giữa mẹ và bé.
  • Giảm các nguy cơ tai biến sau sinh thường như chảy máu, nhiễm khuẩn,…
  • Bước chuẩn bị cần thiết cho người mẹ chăm sóc bản thân và cho bé yêu của mình một cách tốt nhất.

Lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường là vô cùng cần thiết

Lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường giúp mẹ phục hồi sức khỏe nhanh, sữa về nhanh,… (Nguồn: Sưu tầm)

Lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường giúp mẹ nhanh phục hồi

Tuân thủ căn dặn của bác sĩ

Uống thuốc đúng liều, thường là thuốc kháng sinh để phòng nhiễm trùng vết mổ cắt tầng sinh môn, thuốc giảm đau và thuốc bổ. Chăm sóc vết thương đúng cách, để đơn giản mẹ nên nhờ điều dưỡng vừa tắm bé vừa chăm sóc vết thương tức là thay băng giúp mình hằng ngày.

Nghỉ ngơi hợp lý

Mẹ cần phải chăm sóc bản thân để lấy lại sức. Chăm sóc sau sinh đòi hỏi nhiều thời gian để nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng tốt và cần nhận được sự giúp đỡ của người thân trong vài tuần đầu.

Mẹ nên biết rằng trẻ sơ sinh có đồng hồ thời gian khác với người lớn. Trẻ sơ sinh sẽ tỉnh dậy mỗi 3 giờ đồng hồ và cần được cho ăn, thay tã và an ủi. Mẹ sẽ không thể ngủ đủ 8 tiếng trong vài tháng, mẹ có thể bị kiệt sức. Những gợi ý dưới đây có thể hữu ích cho mẹ trong việc tìm kiếm cách để nghỉ ngơi nhiều hơn:

  • Trong vài tuần đầu tiên, mẹ nên chú ý việc cho con bú và chăm sóc bản thân, nên nhờ người thân hỗ trợ các việc khác.
  • Tranh thủ ngủ khi em bé ngủ. Có thể chỉ vài phút nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày.
  • Để ý ghi lại thời gian bé thức, thời gian cho bé bú. Giường của mẹ nên kê gần giường hay nôi của bé để cho bé bú vào ban đêm.
  • Bạn bè và gia đình đến thăm đó là điều rất vui, nhưng mẹ không cần tiếp tất cả khách. Mẹ có thể xin phép được nghỉ ngơi hoặc cho con bú.
  • Đi ra ngoài vài phút mỗi ngày. Mẹ có thể bắt đầu đi bộ và tập thể dục sau sinh, tùy theo sức khỏe từng người, nếu cần mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Lập kế hoạch chăm sóc mẹ sau sinh thường giúp mẹ hồi phục sức khỏe nhanh

Chăm sóc sau sinh đòi hỏi nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và cần nhận được sự giúp đỡ của người thân (Nguồn: Sưu tầm)

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Cơ thể mẹ đã trải qua rất nhiều thay đổi trong thời gian mang thai và sau khi sinh. Mẹ cần thời gian để hồi phục. Ngoài việc nghỉ ngơi, mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để mẹ có thể hoạt động và có thể chăm sóc cho bé.

Hầu hết các chuyên gia khuyên mẹ nên ăn khi đói. Nhưng nhiều mẹ có thể rất mệt mỏi hoặc bận rộn nên quên mất bữa ăn của mình. Vì vậy, điều quan trọng là phải lập kế hoạch các bữa ăn đơn giản, lành mạnh bao gồm các lựa chọn thực phẩm từ tất cả các nhóm .Thực phẩm được chia thành 4 nhóm thực phẩm chính:

  • Nhóm tinh bột: Thực phẩm được làm từ lúa mì, gạo, yến mạch, bột ngô, lúa mạch, hoặc hạt ngũ cốc.
  • Chất đạm: Chọn các loại thịt và gia cầm có hàm lượng chất béo thấp. Thay đổi thói quen protein của mẹ, như chọn nhiều cá hơn thịt. Có thể chọn đạm có nguồn gốc từ thực vật như tàu hủ hay các loại đậu khác.
  • Chất béo: Nên dùng dầu mè, dầu oliu,… nên hạn chế mỡ hay chất béo động vật.
  • Rau xanh và trái cây: Mẹ nên chọn rau sạch và trái cây tươi theo mùa.

Cùng với bữa ăn cân bằng, mẹ nên tăng lượng chất lỏng nếu đang cho con bú. Mẹ có thể cảm nhận rằng trở nên rất khát khi bé đang bú mẹ. Nước lọc và nước trái cây là những lựa chọn tuyệt vời. Hãy thử giữ bình nước và thậm chí một ít thức ăn nhẹ như trái cây bên cạnh giường của mẹ hoặc ở ghế lúc cho con bú. Mẹ đừng quên sữa và các sản phẩm sữa: là những sản phẩm có thể dùng bất kỳ khi nào, không mất thời gian nhiều để chế biến, là những sản phẩm có hàm lượng canxi cao.

Hầu hết các bà mẹ đều muốn giảm cân sau sinh, song việc ăn kiêng và giảm cân nhanh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cho bé nếu như mẹ đang cho con bú sữa mẹ. Có thể mất vài tháng để mẹ có thể giảm cân. Mẹ có thể đạt được mục đích này bằng cách cắt bỏ đồ ăn nhẹ có chất béo cao và tập trung vào chế độ ăn uống với nhiều rau tươi và hoa quả, cân bằng với chất đạm và nhóm tinh bột. Các bài tập thể dục sau sinh cũng giúp đốt cháy calo, làm giảm mô mỡ thừa, làm săn chắc các cơ.

Trợ giúp cho bố mẹ mới

Cha mẹ mới sẽ sớm nhận ra rằng việc chăm sóc trẻ sơ sinh cần nhiều việc nhỏ nhặt nhưng chiếm khá nhiều thời gian. Đáp ứng nhu cầu liên tục của trẻ sơ sinh đòi hỏi thời gian và năng lượng, điều đó thường dẫn mẹ khó mà làm những việc khác trong nhà.

Mặc dù mẹ và ông xã có thể sẽ tự mình làm tốt, nhưng nên nhờ người khác hay người trong gia đình trợ giúp. Mẹ và ông xã có thể tập trung vào nhu cầu của bé, chứ không phải bận tâm đến áo quần bẩn, vệ sinh nhà cửa, mua sắm tạp hóa, nấu ăn…Đặc biệt trong những tuần đầu vì mẹ chưa lấy lại sức sau sinh. Điều này sẽ giúp mẹ tự chăm sóc bản thân và giúp mẹ không bị hạn chế thời gian dành cho bé yêu.

Những dấu hiệu bình thường trong giai đoạn hậu sản sinh thường

  • Sản dịch: Là chất dịch tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu tiên của thời kỳ hậu sản. Sản dịch có mùi tanh nồng, độ pH kiềm. Nếu bị nhiễm khuẩn sẽ có mùi hôi, ban đầu có máu, sau đó loãng dần và khoảng ngày thứ 9 thì đa phần không có máu. Hiện tượng này kéo dài 2-3 tuần nữa.
  • Cơn đau do co thắt tử cung: Ngay cả sau khi chuyển dạ và sinh nở xong, mẹ sẽ bị cơn đau do co thắt tử cung. Những cơn co thắt này là bình thường và xảy ra khi tử cung co lại với kích thước ban đầu. Những cơn co thắt này có thể giảm sau 48 giờ, thường kéo dài khoảng 3 hoặc 4 ngày sau sinh, là dấu hiệu tốt cho thấy tử cung của mẹ sẽ nhỏ hơn.Các cơn đau này có thể nặng hơn nếu mẹ đang cho con bú sữa mẹ. Bú mẹ làm giải phóng một hormone làm tử cung co. Hỏi bác sĩ, nếu cần mẹ có thể dùng paracetamol khoảng 30 phút đến một giờ trước khi cho con bú sữa mẹ để giảm bớt cơn đau khi đang cho con bú.
  • Cơn rét run: Một số sản phụ ngay sau khi sinh có thể lên cơn rét run, đó là cơn rét run sinh lý. Đặc điểm của cơn rét run sinh lý là mạch, nhiệt độ, huyết áp vẫn bình thường. Cần phân biệt rét run sinh lý với rét run do choáng mất máu. Trong choáng do mất máu, thường có sự thay đổi về mạch, huyết áp, vã mồ hôi, các chi lạnh. Sau khi sinh, sản phụ có thể sụt 3-5 kg do sự bài tiết mồ hôi, nước tiểu, sản dịch,…
  • Kỳ kinh mới: Nếu không cho con bú, 6 tuần lễ sau khi sinh, mẹ có thể có lại kinh lần đầu tiên, và đó cũng là dấu hiệu chấm dứt thời kỳ hậu sản. Kỳ kinh nguyệt đầu thường kéo dài hơn các kỳ kinh bình thường.

Dấu hiệu nguy hiểm cho phụ nữ giai đoạn hậu sản sinh thường

Thông thường, sau khi sinh từ 7-10 ngày, mẹ nên đi khám hậu sản để phòng tránh các bệnh hậu sản cũng như biết được thể trạng của mình. Các dấu hiệu có thể gây nguy hiểm với mọi phụ nữ và đa số các ca tử vong sau sinh thường xảy ra trong tuần đầu sau sinh.

Nên đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế ngay, nếu như mẹ có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm sau đây:

  • Chảy máu âm đạo tăng lên.
  • Ngất xỉu.
  • Thở nhanh hoặc khó thở.
  • Sốt và quá yếu không đủ sức ra khỏi giường.
  • Nhức đầu trầm trọng với giảm thị lực.
  • Đau bụng, vết thương đỏ hoặc sưng tấy ; Thở dốc hoặc đau ngực.

Nên đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Vú hay núm vú, sưng, đỏ hoặc đau.
  • Tiểu buốt rát hay rối loạn tiểu tiện.
  • Cảm giác đau tăng vùng đáy chậu.
  • Nhiễm trùng vùng vết thương (đỏ, sưng, đau, hoặc mủ trong vết thương).
  • Dịch âm đạo có mùi hôi khó chịu.Trầm cảm trầm trọng hoặc hành vi tự tử (ý tưởng, kế hoạch hoặc cố gắng).

Lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường là bước chuẩn bị quan trọng cho mẹ chăm sóc bản thân và cho bé

Các mẹ nên đến trung tâm y tế ngay khi có các dấu hiệu như tiểu buốt, dịch âm đạo có mùi khó chịu,… (Nguồn: Sưu tầm)

>> Tham khảo thêm: Chế độ sau sinh nên ăn gì để tốt cho mẹ và bé

Thật ra, việc lập kế hoạch chăm sóc sản phụ sau đẻ thường không quá phức tạp, nếu như mẹ và ông xã đều có sự hỗ trợ lẫn nhau, áp dụng kiến thức thông thường, thông thường rồi cũng sẽ vượt qua. Nếu mẹ nào băn khoăn về các vấn đề sau khi sinh thì hãy gửi câu hỏi về các Chuyên gia Huggies®. Để bé yêu luôn khoẻ mạnh, tham khảo chuyên mục Chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc tìm hiểu Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Thẻ:
chăm sóc sau sinh
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!