Chuyển dạ lúc nào cũng đau. Bạn sẽ không có cách nào tránh được. Người ta vẫn so sánh cơn đau này như là chạy marathon hoặc đang chinh phục một ngọn núi cao. Và thật ra vẫn có nhiều cách để giảm đau.
Bạn có thể lựa chọn dùng thuốc để giảm đau hoặc các phương pháp không cần dùng đến thuốc.
Bác sĩ luôn cho bạn lời khuyên về việc bé sẽ chào đời như thế nào. Nhưng bạn mới là người thực sự quyết định chuyện này. Sinh thường hay có sự hỗ trợ của y tế là do bạn.
Đa số bà bầu đều lo lắng cho sự chào đời của bé. Tuy nhiên, khi bạn thừa nhận và nói ra nỗi lo sợ của mình, bạn sẽ tìm được cách đối diện với nó.
Thử tưởng tượng đầu bé to cỡ một quả bí non, và quả bí này sẽ từ từ chui ra khỏi người bạn. Nếu bạn nói bạn không hề lo lắng gì về việc sinh thường thì thật ra bạn chỉ đang tự trấn an mình thôi.
Bạn nên bớt lo lắng vì có hơn 6 tỷ người trên thế giới đã chào đời như thế.
Bạn nên chuẩn bị thông tin càng nhiều càng tốt trước khi quyết định sẽ sinh con bằng cách nào. Không ai có thể quyết định thay cho bạn.
Tham khảo: Dấu hiệu sắp sinh
Cách thở và tư thế trong quá trình sinh
Những cơn đau chuyển dạ đến dồn dập như sóng. Khả năng chịu đựng sẽ phụ thuộc vào việc cơ thể bạn có “bắt nhịp” được những cơn đau sắp đến hay không. Đồng thời bạn sẽ phải điều chỉnh nhịp thở và tư thế để vượt qua chúng.
Bác sĩ và nữ hộ sinh hầu như đã quá quen thuộc với cách xử lý này của các bà bầu. Nghe có vẻ hiện đại chứ thật ra cách này đã tồn tại hơn 200 000 năm rồi.
Đa số các lớp học tiền sản đều hướng dẫn cách thở bụng sâu dùng trong lúc chuyển dạ. Nếu bạn có thể tìm các lớp yoga đặc biệt cho bà bầu, bạn sẽ có nhiều cơ hội tập các kỹ thuật thở và gồng người để vượt qua quá trình chuyển dạ và sinh nở.
Thay đổi tư thế là cách hiệu quả để giúp bạn vượt qua đau đớn do các cơn gò gây ra.
Nằm ngửa thường là tư thế đau nhất trong lúc chuyển dạ. Bạn hãy chịu khó đi lại vòng vòng. Tư thế đi vừa là tư thế giảm đau tốt vừa lợi dụng trong lực để bé di chuyển xuống vùng chậu nhanh hơn.
Tư thế lưng thẳng đứng còn giúp bà bầu có thể dựa vào người nhà hoặc gối để giảm đau.
Lắc lư vùng chậu, co gối, ngồi xổm hoặc quỳ gối có chống tay xuống đất đều là những tư thế giúp giảm đau tốt.
Tham khảo: Dấu hiệu chuyển dạ
Xoa bóp trong lúc chuyển dạ
Đa số các bà bầu chuyển dạ đều đau bụng kèm với đau lưng dưới. Bạn có thể nhờ ai xoa bóp lưng với dầu mát xa không mùi sẽ giúp thư giãn khá nhiều.
Đắp nóng trong lúc chuyển dạ
Xả chiếc khăn tay với nước nóng rồi vắt cho khô bớt. Khăn nóng sẽ giúp giảm đau bụng lẫn đau lưng. Bạn có thể dùng túi vải đựng các loại ngũ cốc rồi làm nóng bằng lò vi sóng hoặc dùng túi gel làm nóng cũng là cách giảm đau hiệu quả. Bạn có thể hỏi xem phòng chờ sinh có lò vi sóng không để có thể áp dụng cách này.
Tắm ấm trong lúc chuyển dạ
Do liên tục đổ mồ hôi rồi chảy nước ối rỉ rả nên bạn tự cảm thấy mình khá là lôi thôi. Bạn sẽ thấy khá hơn nếu tranh thủ tắm một chút. Nước ấm có thể làm giảm đau trong lúc chuyển dạ. Trong đa số các phòng chờ sinh ở bệnh viện, bạn đều có thể đặt ghế trong phòng tắm để tắm nhanh bằng nước ấm.
Sinh con dưới nước
Nhiều người lựa chọn sinh con tại nhà. Khi đó họ có thể thuê bồn tắm bơm hơi loại tiện dụng hoặc dùng hồ tắm tại nhà miễn là có thể đổ đầy nước ấm. Các bệnh viện sản khoa hoặc nhà hộ sinh có thể có những hồ lớn loại này. Nếu bạn thích đi bơi vào những tháng cuối thai kì, bạn sẽ thích cảm giác ùa xuống nước và cơ thể trở nên nhẹ tâng. Sinh dưới nước cũng giúp giảm các cơn đau bụng lẫn đau lưng của bà bầu. Nếu thai kì của bạn hoàn toàn bình thường, bạn có thể đề nghị với bác sĩ của bạn về lựa chọn này.
Tham khảo: Sinh con dưới nước
Hãy dùng trí tưởng tượng để giảm đau
Bạn có thể giảm đau hiệu quả bằng cách tự nói chuyện và dùng trí tưởng tượng của bản thân. Nếu bạn có tập yoga hoặc thiền, bạn rất dễ dàng hình dung ra hành trình cho bạn. Một số bà bầu tưởng tượng những cơn đau như là sóng biển, cứ lớn dần lớn dần và đẩy bạn sát vào bờ để bạn được gặp con. Hoặc có những bà bầu ví cơ thể mình như những nụ hoa sẽ nở ra từ từ. Sự tưởng tượng có mục tiêu cố định và có tính khích lệ sẽ hữu ích cho quá trình chuyển dạ.
Giảm đau bằng biện pháp thôi miên
Nhiều bà bầu đã từng tham gia khóa học về sinh con bằng phương pháp thôi miên. Đây là chương trình tự thôi miên dạy cho các bà bầu cách thay thế những cơn đau dai dẳng bằng sự kì vọng một cuộc sinh thoải mái, đầy thư giãn và bình yên. Những người hướng dẫn phương pháp này tin rằng sự lo lắng sẽ tiết ra các hormon gây co thắt cơ dẫn đến những cơn đau hành hạ. Họ hướng dẫn các bà bầu kỹ thuật thư giãn sâu để tạo ra nhiều endorphin (hormon giảm đau tự nhiên) giúp sinh nhanh và dễ dàng hơn. Bạn có thể đọc thêm cuốn Sinh con bằng phương pháp thôi miên của tác giả Marie Mongan.
Thôi miên, châm cứu, bấm huyệt, hương liệu pháp hoặc xung điện
Có nhiều dịch vụ giảm đau cho các bà bầu đang chuyển dạ. Những phương pháp này giúp giảm đau và tăng cảm giác thoải mái cho bạn. Nếu bạn biết về một phương pháp nào đó, bạn có thể hỏi kinh nghiệm những người đã dùng thử và nhờ bác sĩ tư vấn thêm.
Tuy nhiên, bạn cũng hãy cảnh giác những tin đồn. Vì nhiều người sẵn sàng trả tiền để tránh được những cơn đau lúc chuyển dạ nên cũng có nhiều người lợi dụng việc cả tin của các bà bầu để lừa đảo.
Giảm đau bằng thuốc
Khí
Nhiều bệnh viện cung cấp phương pháp giảm đau bằng khí. Bạn sẽ được thở cùng với một chiếc mặt nạ cung cấp hỗn hợp khí gồm một nửa oxy và một nửa khí ni tơ monoxit. Khí này hiệu quả với một số bà bầu nhưng có thể gây chóng mặt nhẹ và buồn nôn ở một số người. Khí không gây tác dụng phụ cho bé. Có thể sử dụng phương pháp này khi sinh tại bệnh viện hoặc tại nhà đều được.
Pethidine/Demerol
Một thuốc giảm đau khác là pethidine (hoặc các thuốc có nguồn gốc opium tương tự). Thuốc này sẽ được tiêm vào cơ. Thuốc có tác dụng tốt với một số bà bầu. Một số khác thì thấy buồn nôn, mất tập trung, lã người, không tiếp xúc được.
Có rất nhiều tranh cãi về việc sử dụng opiate trong lúc chuyển dạ mặc dù thuốc này đã được dùng cả thập kỷ nay. Các thuốc opiate có thể đến nhau thai và vào cơ thể bé. Một số trường hợp, bé có thể gặp tác dụng phụ như khó thở lúc sinh hoặc bú mẹ. Tuy nhiên, tác dụng phụ thường gặp chỉ là bé sẽ ngủ vật ra suốt một hai ngày sau sinh.
Gây tê ngoài màng cứng
Đây là phương pháp sau cùng được sử dụng để giảm đau. Bạn sẽ mất đi cảm giác đau khi tử cung co thắt. Bạn sẽ thấy tê vùng eo trở xuống. Tôi còn nghe kể nhiều bà bầu thậm chí ngồi dậy rất thoải mái và đi uống trà, chơi ô chữ trong lúc chuyển dạ giai đoạn cuối.
Bác sĩ gây mê sẽ thực hiện thủ thuật này nên bạn sẽ không thể sinh ở nhà hay ở nhà hộ sinh được.
Thời gian là yếu tố quan trọng. Thuốc tê chỉ hiệu quả khi dùng vào lúc cổ tử cung mở khoảng 5cm và cơn gò càng lúc càng nhiều. Nếu cổ tử cung đã mở đến 8cm, thì thường bác sĩ sẽ không khuyên bạn chọn phương pháp này. Vì nó sẽ không hiệu quả hoàn toàn mỗi khi bạn rặn.
Thuốc tê được chích vào gần cột sống. Sau đó bạn sẽ không còn cảm giác phần dưới cơ thể nữa mặc dù liều thông dụng hiện nay cho phép bạn có thể cử động chân được một ít.
Trong một số hiếm trường hợp, bà bầu chỉ tê một nửa người trái hoặc phải.
Ngoài tác dụng giảm đau, lợi ích của phương pháp này là em bé không bị ảnh hưởng. Thuốc này còn giúp kiểm soát tốt huyết áp, mặc dù cũng có trường hợp huyết áp giảm thấp nên phải đặt thêm đường truyền dịch vào tay bà bầu.
Bạn sẽ nằm suốt tại giường. Bạn cũng được gắn một ống thông tiểu khiến bạn khó chịu trong vài ngày. Chuyển dạ thường kéo dài hơn, có thể làm em bé mệt mỏi. Nên bác sĩ sẽ đặt máy để theo dõi nhịp tim của thai và những cơn gò của bạn.
Trong lúc bạn thoát khỏi những cơn đau bụng thì bạn lại không rặn hiệu quả được. Nên nếu bạn được gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ có thể phải dùng kẹp hoặc giác hút để hỗ trợ sinh, có khi còn phải chuyển qua sinh mổ nếu bị suy thai. Hậu quả là bạn có thể bị tổn thương vùng chậu và âm đạo.
Nếu bạn muốn chọn gây tê ngoài màng cứng, bạn nên bàn bạc với bác sĩ càng kỹ càng tốt.
Theo bài viết Fran Molloy – nhà báo và là mẹ của 4 đứa trẻ.
Để biết thêm, mời bạn đọc bài Sinh con
Nếu như mẹ vẫn đang có những thắc mắc trong việc phục hồi sức khỏe sau khi sinh thì tham khảo chuyên mục Chăm sóc sau sinh hoặc đừng ngần ngại gửi ngay câu hỏi của mẹ về Góc Chuyên Gia của HUGGIES® để được các bác sĩ giải đáp nhé.
Để bé yêu luôn khoẻ mạnh, mẹ hãy tham khảo chuyên mục Cách chăm sóc bé hoặc tìm hiểu Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ