Sự hồi phục chăm sóc sau sinh mổ

Tùy thuộc vào mỗi ca phẫu thuật hay tình trạng sức khỏe mà dẫn đến quá trình hồi phục của các sản phụ cũng khác nhau. Phương pháp sinh mổ không những có tác động đến sức khỏe mà còn có thể gây ra một số ảnh hưởng tâm lý nhất định đến mỗi sản phụ. Đặc biệt đối với những sản phụ ngay từ đầu đã muốn sinh thường, nhưng sau đó bác sĩ chỉ định phải sinh mổ. Việc đó có thể gây một sự chấn động tâm lý như cảm giác buồn chán hay thất vọng sau khi sinh con. Ngay cả bà mẹ lựa chọn sinh mổ từ trước cũng có thể có cảm giác tương tự.

May thay, niềm hứng khởi khi có con và bận rộn chăm sóc chúng làm nhiều bà mẹ dần quên đi nỗi muộn phiền hay vượt qua khủng hoảng tâm lý ban đầu sau sinh mổ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bà mẹ cần có sự hỗ trợ tâm lý. Vì vậy nếu bạn có nhu cầu, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ.

Suy cho cùng thì sinh mổ là một ca phẫu thuật lớn. Do đó cần coi trọng việc phục hồi sức khỏe của sản phụ sau sinh. Bản thân mỗi bà mẹ cũng nên cẩn trọng về sức khỏe của mình. Ngay cả những bà bầu khỏe mạnh vẫn có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng.

Sau khi sinh con, các bà mẹ thường ở lại bệnh viện khoảng 3-4 ngày. Tuy nhiên đối với trường hợp sinh mổ, sản phụ phải nằm lại lâu hơn, có thể lên đến vài tuần.

Nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống tẩm bổ sau phẫu thuật rất quan trọng. Đặc biệt sản phụ sinh mổ cần có nhiều hỗ trợ cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều vấn đề như cho con bú mẹ, thiếu ngủ hay sự rối loạn nội tiết trong cơ thể luôn là một thử thách lớn đối với ngay cả những người phụ nữ khỏe mạnh và cứng rắn nhất.

Chăm sóc sau sinh mổ – 24 tiếng sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, sản phụ sẽ được đưa đến phòng hồi sức để được theo dõi trong vài giờ. Trừ các trường hợp nguy hiểm, em bé và chồng sẽ được phép ở cùng mẹ. Khi đã được kiểm tra kỹ bởi các nhân viên y tế, bạn sẽ được chuyển qua phòng khác nơi có các bà mẹ và em bé khác.

Nếu bạn muốn cho con bú mẹ thì có thể cho bú ngay. Hãy nhờ các y tá đỡ dậy và giúp ngồi đúng tư thế để tránh tạo áp lực lên vết mổ. Trường hợp gặp khó khăn khi cho con bú, bạn có thể nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên viên tư vấn trong bệnh viện.

Mẹo hồi phục nhanh sau khi sinh mổ

Nếu phẫu thuật sử dụng phương pháp gây mê toàn thân, bạn sẽ cảm thấy hơi choáng váng sau khi tỉnh lại. Do đó không nên bế em bé ngay. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ không có cơ hội cho bé bú trong vài tiếng sau khi sinh.

Sản phụ cũng có thể cảm giác buồn nôn trong vòng 48 giờ sau sinh mổ. Hoặc cũng có thể thấy ngứa râm ran toàn thân, đặc biệt khi thuốc mê vẫn còn nằm trong xương sống. Hãy nhờ các y sĩ để kê các đơn thuốc phù hợp giảm bớt sự khó chịu.

Cũng như các bà mẹ mới sinh khác, sau khi sinh mổ ngực bạn sẽ căng sữa, tâm trạng thay đổi và tiết dịch âm đạo. Bên cạnh đó, khi thuốc gây mê hết tác dụng, nhiều sản phụ sẽ cảm nhận sự đau đớn nơi vết mổ. Vì vậy, bạn có thể sử dụng các liều thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn sử dụng phương pháp gây mê cột sống (khác với phương pháp gây mê thông thường), chất gây mê sẽ còn lưu lại trong vòng 12-24 giờ sau phẫu thuật. Có thể sử dụng thêm liều morphine giúp giảm đau tốt sau sinh. Hoặc bạn sẽ được tiêm chất mê có tác dụng giảm đau ngay lập tức. Thuốc sẽ được tiêm vào mỗi 3-4 giờ. Ngoài ra hiện nay còn có một loại máy truyền chất giảm đau vào tĩnh mạch rất hữu hiệu. Đừng lo lắng thuốc bị quá liều bởi máy đã kiểm soát lượng thuốc an toàn cho cơ thể bạn.

Nếu bạn vẫn cảm thấy đau đớn thì hãy nhờ y tá kê thêm thuốc. Đừng ráng chịu đựng vì bạn càng đợi lâu sự đau đớn càng khó kiểm soát. Trường hợp y tá không thể giúp bạn giảm đau, hãy nhờ tới các bác sĩ sản khoa. Các cơn đau sẽ ảnh hưởng tới việc cho bé bú và trạng thái tâm lý của mẹ.

Trong vòng 24 tiếng sau sinh, bạn nên đứng dậy và đi lại quanh phòng. Sự di chuyển nhẹ nhàng sẽ giúp ích cho sự phục hồi và ngăn ngừa táo bón hay tránh cục máu đông trong cơ thể. Tuy nhiên không nên tự ra khỏi giường một mình. Chân của bạn có thể sẽ bị tê và không có cảm giác do tác dụng của chất gây mê. Hơn nữa, độ thăng bằng cơ thể vẫn bị ảnh hưởng làm bạn cảm thấy choáng váng. Cho đến khi đi lại được, bạn nên nhẹ nhàng mát xa chân và cử động các ngón chân, bàn chân để giúp máu lưu thông tốt.

Khi di chuyển sau sinh mổ, hãy lưu ý:

  • Luôn nhờ chồng hoặc y tá giúp đỡ.
  • Giữ cố định vết mổ bằng cách ôm nhẹ một cái gối trên vết mổ.
  • Tránh gập người về phía trước. Nên đứng thẳng và đừng nhìn xuống dưới.
  • Bám vào những đồ vật như cái ghế hay thành cửa sổ.

Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, bạn sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để tránh nhiễm trùng nơi vết mổ. Các y tá cũng theo dõi chặt chẽ lượng nước bạn uống, hoạt động của bàng quang hay hệ tiêu hóa. Cứ mỗi vài giờ y tá sẽ kiểm tra các biểu hiện bên ngoài, bụng và âm đạo. Những ngày đầu sau sinh, bạn sẽ thấy ra dịch màu đỏ nhạt. Đây là hiện tượng bình thường vì đó là máu và các mô từ thành tử cung.

Vết mổ sẽ tê, hơi đau, sưng, và hơi thâm hơn vùng da xung quanh. Y sĩ sẽ kiểm tra vết mổ  thường xuyên để đảm bảo không có biến chứng. Ngoài ra, bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ, chẳng hạn như dùng tay hoặc gối đặt nhẹ lên vết mổ mỗi khi bạn ho, hắt hơi hay cười. Bạn sẽ được chỉ dẫn cách ho hay hít thở để mở rộng phổi và làm sạch bất kỳ chất lỏng nào đọng lại, đặc biệt khi bạn sử dụng phương pháp gây mê toàn thân. Nếu chất lỏng còn đọng lại trong phổi có thể dẫn đến viêm phổi.

Thường 12 tiếng sau sinh mổ, khi dây truyền tĩnh mạch đã được tháo ra thì bạn có thể bắt đầu ăn uống trở lại. Tuy vậy, bạn vẫn bị đầy hơi do hệ tiêu hóa giờ đây hoạt động có phần chậm lại. Cố gắng đứng dậy và đi dạo quanh phòng sẽ làm giảm hiện tượng này.

Thẻ:
Sinh mổ
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Sinh thường sau sinh mổ

Có nhiều lý do tại sao phụ nữ thấy việc VBAC tức là sinh ngả âm đạo (sinh thường) sau khi sinh mổ là điều

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!