Mang thai sau khi thụ tinh trong ống nghiệm/thụ tinh nhân tạo

Hiện nay có 2 phương pháp điều trị vô sinh chính được áp dụng nhiều nhất tại Việt Nam:

  • Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF): là hiện tượng thụ tinh bên ngoài cơ thể)
  • Thụ tinh nhân tạo (Intrauterine insemination – IUI) hay còn gọi là bơm tinh trùng vào tử cung

Tuỳ theo các nguyên nhân gây vô sinh cụ thể mà các bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp.

Sau khi đã thực hiện một trong hai kỹ thuật thụ tinh nói trên, mẹ nên lưu ý những gì để tăng cơ hội thụ thai thành công và có một thai kỳ khỏe mạnh, hãy cùng tìm hiểu mẹ nhé.

Tham khảo: Thời điểm dễ thụ thai

1. Thụ tinh nhân tạo

Mẹ nên làm gì sau khi thụ tinh nhân tạo?

Để gia tăng khả năng thụ thai thành công và đảm bảo an toàn cho bào thai, mẹ nên:

  • Nghỉ ngơi thư giãn từ 4-5 ngày sau khi IUI, giữ tinh thần thoải mái.
  • Không được tập thể dục hay vận động mạnh ngoại trừ đi bộ nhẹ trong 2 tuần sau khi thụ tinh nhân tạo.
  • Ăn nhiều thức ăn giàu chất đạm vì cơ thể mẹ cần protein để giúp quá trình thụ tinh trứng và giúp trứng cấy đúng vào tử cung.
  • Uống đủ ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày, tốt nhất là ở nhiệt độ phòng.
  • Tránh nhiễm siêu vi như cảm lạnh, cảm cúm.
  • Cân nhắc và nên hỏi bác sĩ nếu muốn sử dụng thuốc men hay hóa mỹ phẩm.

Một số biến chứng của thụ tinh nhân tạo:

  • Khoảng dưới 1% những phụ nữ khi thụ tinh nhân tạo bị nhiễm trùng. Phụ nữ sau khi thụ tinh nhân tạo có thể bị tổn thương ở âm đạo do việc đặt ống thông vào lòng tử cung có thể gây chảy máu âm đạo, nhưng điều này thường không ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai.
  • Thụ tinh nhân tạo không gây tăng nguy cơ đa thai. Tuy nhiên, nếu thụ tinh nhân tạo kết hợp với liệu pháp dùng thuốc kích trứng, nguy cơ đa thai sẽ gia tăng. Mang đa thai mẹ sẽ nguy hiểm hơn mang đơn thai vì bé có thể bị sinh non hoặc nhẹ cân.

Thụ tinh nhân tạo thành công:

  • Để xem liệu việc bơm tinh trùng có thành công hay không, có thể mất khoảng 14 ngày để nồng độ hormone thai kỳ hCG tăng lên đủ để kiểm tra và cho mẹ biết thụ tinh nhân tạo đã thành công hay không.
  • Các triệu chứng mang thai bắt đầu xuất hiện trong vòng hai tuần. Hiện tượng ra huyết âm đạo, có người có có người không, có thể xảy ra từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12 sau khi thụ thai, đôi khi kèm đau bụng, điều này làm cho mẹ nghĩ là kinh nguyệt đến và cho rằng quá trình thụ tinh thất bại.

Tham khảo: Làm sao để có thai nhanh nhất

Thụ tinh nhân tạo

2. Thụ tinh trong ống nghiệm

Mẹ nên làm gì sau khi được chuyển phôi thai:

Sau khi được các bác sĩ tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi vào buồng tử cung của người mẹ thành công. Phôi thai tiếp tục phân chia tế bào và làm tổ trong buồng tử cung.

Mẹ nên thực hiện các biện pháp an toàn thích hợp để làm tăng cơ hội thành công của thụ tinh trong ống nghiệm:

  • Thông thường sau khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ đề nghị mẹ nằm nghỉ từ tại bệnh viện 2-3 giờ, sau đó về nhà.
  • Trong khoảng 3-5 ngày kể từ khi chuyển phôi mẹ nên nằm một chỗ và nghỉ ngơi tuyệt đối (nếu cần thiết, nên đi vệ sinh bằng bô nằm tại giường).
  • Tránh các hoạt động mạnh, tránh tập thể dục nặng, tránh bơi lội, tránh tắm bồn, nên có chế độ dinh dưỡng tốt, …như với với phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Một số biến chứng của thụ tinh trong ống nghiệm:

  • Các biến chứng do thủ thuật gây ra có thể gặp: chảy máu trong do chọc vào các mạch máu lớn trong ổ bụng, do làm tổn thương buồng trứng; nhiễm trùng do chọc hút vào ruột, đại tràng; chảy máu bàng quang do kim chọc vào bàng quang. Các tai biến này nếu có, sẽ được bác sĩ phát hiện ra sớm, tỷ lệ thấp, nên cũng không đáng ngại mẹ nhé.
  • Khi mẹ được kê đơn thuốc để kích buồng trứng, đôi khi có thể gặp hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) là một biến chứng của điều trị kích thích buồng trứng và của khởi động phóng noãn. Nếu mẹ cảm thấy căng chướng bụng nhiều, đau bụng, buồn nôn, nôn ói nhiều hoặc khó thở…nên tái khám gấp.

Thụ tinh trong ống nghiệm thành công:

Sau 14 ngày mẹ sẽ được xét nghiệm máu định lượng beta HCG và siêu âm tử cung và 2 phần phụ qua ngã âm đạo để đánh giá sự phát triển của phôi thai để biết quá trình thụ tinh có thành công không.

Tham khảo: Muốn có thai nhanh phải làm thế nào

3. Theo dõi, chăm sóc mẹ và thai nhi sau khi thụ tinh thành công.

Phôi thai, tim thai hình thành, đánh dấu một chặng đường mới dành cho bố mẹ, làm sao cho mầm sống trong bụng mẹ mạnh khỏe, phát triển tốt, an toàn cho đến ngày “ đơm hoa kết trái” mà không có một mối nguy hiểm nào là điều bố mẹ cần lưu ý.

Trong thời gian này, mẹ sẽ cảm nhận một số các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng vùng hạ vị do quá trình chuyển phôi vào buồng tử cung và phôi thai làm tổ nên mẹ có cảm giác đau lâm râm vùng bụng từ rốn xuống xương vệ.
  • Ra huyết âm đạo, với lượng rất ít chỉ vài giọt, huyết nhợt.
  • Đau ngực 2 bên vú, cảm giác căng đau.
  • Toàn thân mệt mỏi, không muốn ăn.

Mẹ nên nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không đi lại, không làm việc, không thức khuya, ăn những thức ăn dễ tiêu, không dùng đồ  kích thích: bia, rượu, trà, cà phê, tránh dùng các loại thức ăn: rau ngót, rau răm, rau cần tây, không ăn đu đủ, dứa. Uống thuốc và đặt thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Sau 4 – 6 tuần thụ tinh, phôi thai phát triển tốt, siêu âm tử cung ta có thể thấy được túi thai, có kích thước đường kính 12 – 14 mm, cấu trúc bên trong có yolk sac (+),  và có phôi thai và tim thai (+). Trong giai đoạn này, các dấu hiệu ốm nghén như buồn nôn và nôn, ăn uống kém, mệt sẽ xuất hiện. Mẹ vẫn tiếp tục dùng thuốc hỗ trợ giúp cho phôi thai phát triển tốt và có thể làm việc nhẹ nhàng. Bác sĩ chuyên khoa sản khuyên bố mẹ nên kiêng giao hợp trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Trên thực tế, khi thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ chuyển phôi thường đưa từ 2 – 3 phôi vào buồng tử cung của người mẹ, nhằm tăng khả năng thụ thai và kiểm soát được sự phát triển của thai. Chính vì vậy, quá trình mang thai của mẹ thụ tinh trong ống nghiệm có thể sẽ vất vả hơn mẹ mang thai bình thường.

Tiếp theo đó, mẹ được khám thai định kỳ, dùng thuốc hỗ trợ và bổ sung thuốc sắt, calci. Kết hợp ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tiếp tục được làm xét nghiệm cần thiết về thai kỳ, siêu âm thai ở tuần 12 – 14 để đo độ mờ da gáy, siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi cũng như theo dõi sự phát triển của thai nhi khi thai 22 – 24 tuần.

Mẹ được theo dõi thai kỳ theo lịch khám thai và thực hiện đầy đủ các qui trình nội dung khám thai, mẹ được hướng dẫn theo dõi cử động thai máy, thai đạp, tiêm ngừa uốn ván, xét nghiệm dung nạp đường, tất cả như quá trình mang thai bình thường.

Trong những tháng cuối của thai kỳ, đối với thai nhi thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ thường sử dụng thuốc hỗ trợ phổi bằng thuốc Corticoid, vì thai nhi có nguy cơ sinh sớm so với ngày dự sinh. Tùy thuộc vào mẹ mang đơn thai hay đa thai và trình trạng sức khỏe mẹ, mà bác sĩ sẽ chỉ định sinh thường hay sinh mổ.

Để biết thêm thông tin, mời bạn tham khảo chuyên mục Thụ thai hoặc tìm hiểu  Cách tính ngày rụng trứng để xác định thời điểm thụ thai tốt nhất bạn nhé.

Thẻ:
Thụ tinh trong ống nghiệm
Chia sẻ:

Bài viết được quan tâm

Hiến tinh trùng

Theo thống kê hiện nay ở Úc thì 1/25 đàn ông không thể sinh con. Có nhiều nguyên nhân nhưng thường gặp nhất vẫn là

Tư vấn xác định giới tính

Chuẩn bị chăm sóc em bé với kết quả xét nghiệm giới tính chính xác 99.99% tới từ BABYLOVE!