Hiện nay có lẽ song ngữ không còn là một khái niệm xa lạ. Và trong xã hội hiện nay, khả năng biết ngoại ngữ thứ hai ngày càng trở nên phổ biến và được đánh giá cao. Hãy cùng HUGGIES® tìm hiểu về các ưu nhược điểm khi cho trẻ học ngôn ngữ thứ hai nhé!
Người nói song ngữ, là những người có khả năng nói hai thứ tiếng. Cho dù không có một số liệu rõ ràng về số người nói song ngữ thì vẫn có những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy khả năng nói song ngữ ngày càng trở nên phổ biến cũng như được đánh giá cao hơn trong xã hội.
Lợi ích của việc nói một ngôn ngữ thứ hai
Các lợi ích của việc nói hai ngôn ngữ với trẻ em ngày càng được ghi nhận rộng rãi. Bộ não của trẻ liên tục sinh ra các kết nối mới, do đó khả năng tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ dễ dàng hơn rất nhiều so với ở người lớn. Vì vậy, song song với việc phát triển của tiếng mẹ đẻ hay còn gọi là ngôn ngữ đầu tiên thì việc học thêm một ngôn ngữ thứ hai “không hề gây tốn thêm năng lượng hay tốn thêm không gian trên vỏ não” – theo Anneliese Hastings, một chuyên gia nghiên cứu ngữ âm có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em trong các trường học chính quy cũng như trong các hệ thống giáo dục đặc biệt.
Hastings đã dành 30 năm để học ngôn ngữ của cha cô là tiếng Đức. Cùng với đam mê làm việc cùng trẻ em từ các nền văn hóa đa dạng khác nhau, cô nhận ra rằng tầm quan trọng của song ngữ không chỉ dừng lại ở việc phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. “Một số nghiên cứu vẫn có xu hướng có một cái nhìn khá tiêu cực với việc song ngữ làm chậm lại một số mốc phát triển của trẻ. Song tôi tin tưởng, thực sự mạnh mẽ rằng bất lợi này chỉ là rất nhỏ so với những lợi ích và giá trị xã hội mà song ngữ đem lại”
Các lợi ích của song ngữ với trẻ em được ghi nhận với rất nhiều khía cạnh, trong số đó ít nhất là việc hỗ trợ phát triển ngôn ngữ thứ nhất. Một khả năng nổi bật khác là “đa nhiệm” (khả năng làm nhiều việc cùng một lúc), tăng cường khả năng tập trung, cũng như các khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Và cũng không kém phần quan trọng khi học thêm ngôn ngữ mới, đó là việc giúp nâng cao nhận thức cũng như sự tôn trọng với một nền văn hóa khác.
Cũng theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2004 bởi Đại học York, Canada, cho thấy rằng những người nói hơn một ngôn ngữ sẽ có tinh thần “sắc sảo” hơn và cũng cho thấy khả năng nói song ngữ giúp hỗ trợ quá trình chống lại suy giảm trí nhớ khi về già. Theo một nghiên cứu khác tại Toronto vào năm 2007, kết quả cho thấy thậm chí song ngữ còn có thể làm chậm lại sự xuất hiện của bệnh Alzheimer một khoảng thời gian là 4 năm.
Các hạn chế
Trong khi vẫn tồn tại một quan niệm phổ biến rằng việc học hai ngôn ngữ có nguy cơ làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ, hiện nay vẫn không có một bằng chứng nào cho ý kiến này. Thực tế là một số trẻ, bất kể học một hay hai ngôn ngữ, thì bẩm sinh đã chậm nói hơn các trẻ khác.
Việc sử dụng lẫn lộn các ngôn ngữ cũng là một vấn đề khá phổ biến ở trẻ nói song ngữ, tuy nhiên đó không phải là một dấu hiệu của việc lẫn lộn hay gặp vấn đề với khả năng ngôn ngữ. Ban đầu, trẻ có thể không nhận biết được rằng có những từ chỉ xuất hiện trong một ngôn ngữ, và thông qua việc sử sụng một thứ ngôn ngữ “hỗn hợp”, trẻ sẽ nhận ra có hai loại ngôn ngữ khác nhau. Trẻ thường có xu hướng sử dụng loại ngôn ngữ nào mà chúng nhớ ra tại một thời điểm. Ví du như nếu chúng không biết nói từ “toilet” trong tiếng Anh, nhưng lại biết nói từ này trong một tiếng khác, thì chúng sẽ dùng ngôn ngữ đó để nói.
Một nghiên cứu của Anh được công bố trong Hồ sơ lưu trữ bệnh ở trẻ em vào năm 2008 cho biết việc nói hai ngôn ngữ trong trường mẫu giáo làm tăng nguy cơ nói lắp ở trẻ. Kết quả này đã gây lo lắng đáng kể đối với những bậc cha mẹ của các trẻ nói song ngữ, tuy nhiên kết quả nghiên cứu này cũng không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia ở Úc, Canada và Mỹ. Các nhà nghiên cứu ngữ âm học đã đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của nghiên cứu nói trên, cũng chỉ ra rằng các trẻ trong nghiên cứu này được chọn ra từ một số ít phòng khám và không phải là các trường hợp nói lắp “điển hình”. Phó giáo sư Ann Packman, nhà nghiên cứu ngữ âm học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu nói lắp Úc tại Đại học Sydney đã kêu gọi các bậc cha mẹ không ngăn cản việc trẻ học thêm một ngôn ngữ tại trường mẫu giáo, tuy nhiên bà cũng nói cha mẹ nào vẫn có những lo ngại về nguy cơ trẻ bị nói lắp nên liên hệ tư vấn bởi một Nhà nghiên cứu ngữ âm học. Lời khuyên dành cho cha mẹ
- Giúp bé biết rõ tên của các ngôn ngữ khác nhau mà bé nói được.
- Chơi trò chơi và đọc sách bằng hai thứ tiếng khác nhau.
- Dạy bé các bài hát bằng cả hai ngôn ngữ.
- Kể cho bé nghe các câu chuyện bằng các loại ngôn ngữ và khuyến khích bé tham gia vào việc kể chuyện.
- Đưa bé tới các buổi hòa nhạc, xem phim hay xem kịch nơi mà bé có thể nghe thấy các ngôn ngữ bạn đang dạy bé.
- Tìm kiếm các gia đình hay các bé khác nói cùng ngôn ngữ.
- Đừng chỉ tập trung vào ngôn ngữ, hãy khuyến khích bé tìm hiểu cả các khía cạnh văn hóa khác.
- Đừng vội bỏ cuộc nếu bé tỏ ra chưa hứng thú với ngôn ngữ mới, hãy kiên nhẫn và nghĩ tới các lợi ích bạn có thể đem lại cho bé.
Melissa và chồng là Zsombor biết rằng họ muốn nuôi dạy con cái nói song ngữ ngay từ khi họ biết Mellisa có thai. Zsombor chỉ muốn nói tiếng Hung-ga-ri với con gái, trong khi Melissa lại muốn nói tiếng Anh. Việc duy trì tiếng Hung-ga-ri là một điều rất quan trọng trong gia đình họ, và cũng để bé Natalia có thể trò chuyện với ông bà nội của bé qua điện thoại.
Bé Natalia, hiện nay đã được 26 tháng và có thể hiểu được cả tiếng Anh lẫn tiếng Hung-ga-ri. “Con bé nói cả hai thứ tiếng tuy nhiên có xu hướng thích tiếng Anh hơn vì bé ở nhà với mẹ cả ngày” – Melissa giải thích. “Với một số từ, bé chỉ thích dùng một ngôn ngữ và với một số từ khác bé lại dùng luân phiên cả hai.” Nhưng điều này không gây ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển khả năng ngôn ngữ của Natalia. “Bé líu lo suốt ngày và chúng tôi nhận được rất nhiều nhận xét của các phụ huynh khác về việc bé nói tốt ra sao, có người cũng nhận xét rằng khả năng nói tiếng Anh của bé thực sự xuất sắc.” Lời khuyên của Melissa dành cho các bậc phụ huynh khác, những người có thể có băn khoăn về việc dạy con nói song ngữ: “Hãy bắt đầu thật sớm và làm cho nó trở thành một thói quen, kết quả thực sự đáng để bạn nỗ lực!”.
Để biết thêm thông tin xin truy cập Chăm sóc con.